Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ hai 25/11/2024 17:27
Tin nóng:
Nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Các vùng sản xuất hàng hóa tập trung hướng đến chuyên canh các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng đã góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang theo hướng hiện đại, bền vững.
Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng được 139 vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích 18.446 ha; 78 vùng sản xuất rau (diện tích 7.254 ha), 8 vùng sản xuất lạc (diện tích 1.460 ha), 42 vùng sản xuất vải thiều (diện tích 21.186 ha), 9 vùng sản xuất cam (diện tích 2.750 ha), 15 vùng sản xuất dược liệu, chè, hoa cây cảnh (diện tích 2.500 ha), 16 vùng sản xuất bưởi (diện tích 4.052 ha)…
Ngoài ra, Bắc Giang còn xây dựng được 21 vùng chăn nuôi lợn tập trung, 31 vùng chăn nuôi gà, 21 vùng chăn nuôi trâu, bò, 18 vùng chăn nuôi dê, 4 vùng chăn nuôi ngựa, 12 vùng chăn nuôi ong, 36 vùng nuôi trồng thủy sản...
Bắc Giang hình thành 42 vùng sản xuất vải thiều tập trung với diện tích 21.186 ha. Ảnh: Gia Anh |
Đáng chú ý, Bắc Giang đã hình thành vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại các huyện Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam với quy mô trên 15.000 ha. Vùng sản xuất lúa chất lượng với quy mô trên 45.000 ha tập trung tại các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên, thị xã Việt Yên. Vùng sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng với quy mô trên 80 ha. Hay vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung quy mô trên 30 ha tại TP Bắc Giang...
“Với việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn đã từng bước tạo điều kiện cho các địa phương triển khai các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đánh giá.
Giá trị từ việc liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, tính đến tháng 11/2024, tỉnh Bắc Giang hiện có 775 hợp tác xã, 86 tổ hợp tác, 586 trang trại. Trong đó, có khoảng 60 hợp tác xã nông nghiệp tham gia ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, 150/775 hợp tác xã nông nghiệp tham gia chương trình OCOP, chiếm 19,4% tổng số hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh.
Đặc biệt, hiện nay, tỉnh Bắc Giang có khoảng 200 hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp tham gia thực hiện các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị thông qua chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và bao tiêu đầu ra bằng các hợp đồng tiêu thụ.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua, nhất là ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng trồng rau, hoa… từng bước hình thành nên các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn tại tỉnh Bắc Giang. Các mô hình sản xuất này đã tạo ra thu nhập từ 700 triệu đồng – 1,2 tỷ đồng/ha/năm, tăng từ 6-11 lần so với sản xuất thông thường (khoảng 110 triệu đồng/ha/năm).
“Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và các chuỗi giá trị trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương”, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho hay.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Bắc Giang đã tạo ra thu nhập tăng từ 6-11 lần so với sản xuất thông thường. Ảnh: Văn Hoàng |
Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, để phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, những năm qua, tỉnh Bắc Giang tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh từng địa phương.
Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chính sách, đề án nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị. Trong đó, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 và Nghị quyết số 27/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 quy định chính sách hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
“Các chính sách đưa ra sẽ là cầu nối quan trọng giữa người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nhằm đổi mới, duy trì và phát triển các mô hình sản xuất theo hướng liên kết, tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực là thế mạnh của tỉnh Bắc Giang. Qua đánh giá, khi tham gia vào chuỗi liên kết, người dân không chỉ được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn mà giá trị thu được của các mô hình liên kết cũng cao hơn so với sản xuất truyền thống, hạn chế được tình trạng được mùa, mất giá.
Thêm nữa, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn nguyên liệu sản phẩm, chất lượng sản phẩm được quản lý và được đưa vào chuỗi hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ tại các tỉnh, thành trong cả nước. Vì thế, chúng tôi cho rằng, sản xuất nông nghiệp hàng hóa có liên kết theo chuỗi giá trị là chủ trương đúng để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và bền vững”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành nhấn mạnh.