Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 07:09
Tin nóng:
Xây dựng hệ sinh thái FTA: Cánh cửa giúp ngành da giày bước ra thế giới Xây dựng bảng giá đất cần đánh giá tác động tới người dân, doanh nghiệp |
Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế và tự do hóa thương mại. Nhưng theo ước tính của Trung tâm thương mại thế giới, Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu chưa được khai thác hết. Đặc biệt, các định hướng chiến lược về xúc tiến xuất khẩu và hệ sinh thái, hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp còn hạn chế.
Nhằm hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu cho các doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), vào tháng 10/2021, Bộ Công Thương và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ SECO đã ký kết văn bản trao đổi thực hiện Dự án Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu Việt Nam do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ (gọi tắt là Dự án Swiss Trade).
Xuất khẩu xanh với mục đích xanh hóa sản phẩm sẽ giúp khách hàng trên thị trường nước ngoài có thiện cảm hơn với sản phẩm của các doanh nghiệp. Ảnh: T.T |
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương là đơn vị chủ quản của dự án, Trung tâm Thương mại quốc tế là đơn vị hỗ trợ thực hiện hợp phần một và hợp phần hai của dự án với trọng tâm là xây dựng Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021 - 2030 và Kế hoạch hành động với lộ trình chi tiết 5 năm 2021-2025. Đồng thời, tăng cường các diễn đàn đối thoại công tư để tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân. Hợp phần 3 của dự án với mục tiêu chủ đạo là cải thiện năng lực cạnh tranh xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đảm nhiệm.
“Trong khuôn khổ dự án, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ hỗ trợ các sáng kiến giúp nâng cao năng lực của các tổ chức hỗ trợ kinh doanh năng động trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nói.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, qua 3 năm triển khai, dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất khẩu. Để tiếp tục triển khai hiệu quả Hợp phần 3 của dự án, mới đây, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức Hội thảo tập huấn về các lĩnh vực mới trong thương mại cho các tổ chức hỗ trợ kinh doanh. Hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp trang bị kiến thức, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.
Xác định xu hướng chuyển đổi xanh đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về phát triển bền vững trong thương mại và đầu tư toàn cầu, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, tăng trưởng xanh được xem là chìa khóa đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2021 - 2030, tạo đà cho Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đảm bảo tính bền vững.
Hội thảo tập huấn về các lĩnh vực mới trong thương mại cho các tổ chức hỗ trợ kinh doanh - Hợp phần 3 Dự án Chính sách thương mại và Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ, sáng 17/9. Ảnh: Đỗ Nga |
Ông Chiến dẫn chứng, cụ thể nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, như: Chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM); Quy định chống phá rừng Châu Âu (EU Deforestation-free Regulations - EUDR)...
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xanh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho hay, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm thải carbon, nghiên cứu ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ triển khai các giải pháp áp dụng công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sản xuất sạch hơn, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) từ năm 2022 đến nay định hàng năm đều tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) nhằm các mục tiêu: Thúc đẩy các chính sách phát triển bền vững, kế hoạch quốc gia về chuyển đổi năng lượng, quản lý rủi ro khí hậu nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030; tiếp tục khẳng định các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP 26,27,28; kết nối, thúc đẩy đầu tư, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu.
Do đó, với sự hỗ trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ, trong khuôn khổ Hợp phần 3, Dự án Chính sách thương mại và Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam sẽ giúp cung cấp thông tin và tăng cường hiểu biết cho các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương, các hiệp hội ngành hàng và các tổ chức hỗ trợ kinh doanh nói chung về các chính sách, quy định liên quan tới thương mại xanh, chuyển đổi xanh và bền vững.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại nhấn mạnh, thông qua các hội thảo đã cung cấp những thông tin cần thiết và tăng cường hiểu biết về các quy định và thông lệ quốc tế, chính sách và quy định của các thị trường phát triển. Đặc biệt là các quy định về giảm phát thải khí nhà kính, các chính sách, tiêu chuẩn sản phẩm xanh. Từ đó có thể thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu nâng cao nhận thức, năng lực trong quá trình phát triển và sản xuất kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.