Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 27/12/2024 05:39
Tin nóng:
Một cột mốc quan trọng đã được thiết lập trong quan hệ thương mại toàn cầu khi Vương quốc Anh chính thức trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 15/12. Sự kiện này đánh dấu một chương mới trong hợp tác kinh tế giữa các quốc gia thành viên, mở ra những triển vọng tươi sáng cho thương mại và đầu tư.
Cơ hội "vàng" cho doanh nghiệp Việt
Với sự gia nhập của Anh, CPTPP hiện quy tụ 12 thành viên, bao gồm các thành viên đã tham gia trước đó là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Sau khi Anh gia nhập, các nước thành viên CPTPP sẽ chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu, tạo thành một thị trường vô cùng hấp dẫn cho các doanh nghiệp.
Việc Anh gia nhập CPTPP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng cơ hội thương mại, đặc biệt là đối với các quốc gia thành viên đến từ châu Á. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để thâm nhập vào thị trường tiêu dùng lớn của Anh, tiếp cận các chuỗi cung ứng toàn cầu và tận dụng các lợi thế cạnh tranh mà hiệp định mang lại.
Việc Anh gia nhập CPTPP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng cơ hội thương mại, đặc biệt là đối với các quốc gia thành viên đến từ châu Á. Ảnh minh họa |
Các chuyên gia của HSBC nhận định rằng, sự kiện này sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh đã có hiệu lực, kết hợp với việc Anh gia nhập CPTPP, sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp của cả hai nước. Đồng thời, các yếu tố cơ bản vững chắc của nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Theo nhận định, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi từ việc thực thi hiệp định CPTPP. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận các thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Canada, Úc và giờ là Anh.
Việc Anh gia nhập CPTPP, phía Việt Nam có thể thu được nhiều lợi ích như sẽ có thêm một thị trường tiêu thụ lớn với nhiều sản phẩm tiềm năng như nông sản, thủy sản, hàng dệ may, giày dép và các sản phẩm công nghiệp. Các doanh nghiệp từ Anh sẽ có thêm động lực hơn để đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và công nghệ. Bên cạnh đó, để tận dụng tối đa các cơ hội mà CPTPP mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Anh đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam. Cụ thể, nước này đã dành cho Việt Nam những ưu đãi vượt trội so với các nước thành viên khác của CPTPP khác. Cụ thể, Anh cam kết xóa bỏ 94,4% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực (trong khi các nước thành viên khác là 93,9%). Với gạo, Anh cam kết dành riêng cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan tăng dần từ 3.300 tấn/năm trong năm đầu tiên lên 17.500 tấn/năm kể từ năm thứ 8 (tức là năm 2030) trở đi, với mức thuế suất trong hạn ngạch là 0% - cao gần gấp đôi hạn ngạch gạo mà Anh cam kết chung cho các nước thuộc CPTPP khác.
Với mặt hàng thủy sản, hiện thuế nhập ưu đãi của các sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam vào Anh hầu hết về 0%. Tuy nhiên, còn một vài mã sản phẩm như tôm chế biến HS 160521 và 160529 vẫn đang bị mức thuế 7%. Hai dòng sản phẩm này của Việt Nam đều đang chiếm vị trí số 1 tại Anh, chi phối 36% thị phần, nhưng dư địa sẽ lớn hơn khi tôm Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan từ việc Anh gia nhập CPTPP. Anh cũng cam kết xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch và thuế nhập khẩu cá ngừ ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 7 năm với một số ít dòng thuế.
Đặc biệt, Anh đã ký thư xác nhận các ngành đang hoạt động tại Việt Nam được coi là hoạt động trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, điều tra chống bán phá giá. Với kết quả này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị phân biệt đối xử, được áp dụng mức thuế chống bán phá giá hợp lý hơn.
Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam
So với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, CPTPP khá đặc thù bởi nhiều thành viên đã có FTA song phương/đa phương trước đó với Việt Nam và các doanh nghiệp cũng đang tận dụng ưu đãi của những FTA cũ với các thị trường này. Việc thực thi CPTPP giúp các doanh nghiệp có thêm kênh ưu đãi, lợi thế để khai thác, nhất là trong bối cảnh một số nước thành viên CPTPP vốn là nguồn cung truyền thống cho đầu vào của nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam và nắm giữ những chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu như: Nhật Bản, Singapore, Australia…
Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước CPTPP đã tăng trưởng đáng kể, cho thấy hiệp định đang mang lại những hiệu quả tích cực. Bên cạnh việc gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ, CPTPP cũng đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng việc tận dụng CPTPP của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Một số nguyên nhân chính được chỉ ra là do phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn tập trung vào xuất khẩu nguyên liệu hoặc sản phẩm sơ chế, hạn chế giá trị gia tăng. Doanh nghiệp Việt Nam chưa đầu tư đủ vào xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các thị trường nước ngoài. Năng lực sản xuất, tài chính, công nghệ và nhân lực của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các thị trường quốc tế.
Để khắc phục những hạn chế trên và tận dụng tối đa cơ hội từ CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Đầu tư vào xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững. Tìm kiếm các đối tác chiến lược để cùng nhau phát triển và mở rộng thị trường.
Hiện tại, Anh là thị trường xuất khẩu quan trọng của các nước châu Á với nhiều loại sản phẩm như trái cây, hải sản, gạo, cao su, kim loại… Năm 2024, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tiếp tục tăng 19,5% so với năm ngoái. |