Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 04/12/2024 15:33
Tin nóng:
Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ trẻ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030” tổ chức tại Hà Nội ngày 3/12/2024.
Hội thảo do Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Nghiên cứu truyền thông và phát triển tổ chức.
Ý kiến các chuyên gia tại hội thảo cho thấy, mặc dù đạt được những thành công đáng ghi nhận, tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại những điểm hạn chế, như: Thiếu các sản phẩm, thương hiệu có khả năng cạnh tranh quốc tế, các sản phẩm xuất khẩu chính do người Việt sản xuất có giá trị gia tăng còn thấp, các sản phẩm công nghệ cao phần lớn do các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) làm chủ, khu vực nội địa tham gia vào chuỗi toàn cầu còn hạn chế.
Tại hội thảo nhiều chuyên gia nhận định, doanh nghiệp Việt Nam thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên sâu để dẫn dắt các dự án công nghệ phức tạp. Ảnh: Quang Lộc |
Thực tế cho thấy, với quy mô nhỏ, nguồn vốn thấp, doanh thu hạn chế, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chỉ tập trung cho những hoạt động sản xuất kinh doanh cho lợi nhuận trước mắt; trong khi đó, năng lực khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp là yếu tố quyết định năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn chưa được chú trọng, quan tâm, đầu tư đúng mức.
Một trong những hạn chế của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nói riêng là thiếu vắng nhân lực khoa học công nghệ cũng như chưa phát huy được vai trò của lực lượng xã hội quan trọng này cho phát triển doanh nghiệp. Nhà nước vẫn chưa có đủ cơ chế, chính sách đột phá trong việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ đối với sự phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Sự thiếu vắng nhân lực khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp trở thành rào cản trong việc thực hiện chính sách liên kết giữa ba nhà (nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp) trong việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.
Kết quả khảo sát được đưa ra tại hội thảo cho thấy 3 khó khăn lớn nhất trong đầu tư phát triển khoa học và công nghệ tại Việt Nam là thiếu vốn, chi phí nhiều (55,6% doanh nghiệp được khảo sát), thiếu kinh phí đầu tư công nghệ mới (51,8%) và thiếu nhân lực khoa học công nghệ có chất lượng.
Cùng đó chất lượng nhân lực khoa học công nghệ tại doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế với việc đội ngũ cán bộ nghiên cứu và phát triển chủ yếu có trình độ đại học (75%) trong khi tỷ lệ có trình độ tiến sĩ chỉ chiếm 1%. Điều này cho thấy doanh nghiệp trong nước thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên sâu để dẫn dắt các dự án công nghệ phức tạp.
Giải pháp để khắc phục tình trạng trên theo các chuyên gia là cần tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ và thu hút nhân tài, tăng cường đầu tư ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển nhất là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số.
Bên cạnh đó liên quan đến cải cách giáo dục và đào tạo nhân lực trẻ, cần chú ý đào tạo tập trung cho công nghệ số, AI, kỹ năng mềm như tư duy sáng tạo và quản trị dự án.
Trong phát triển thị trường khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần khuyến khích hợp tác chặt chẽ giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ.