Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 15/11/2024 19:08
Tin nóng:
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang chứng kiến một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên đi kèm với những cơ hội là không ít thách thức. Ngay từ những năm đầu, ngành thủy sản Việt Nam đã phải đối mặt với những vụ kiện phòng vệ thương mại đầu tiên, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng chủ lực như cá tra, cá basa và tôm.
Vụ điều tra chống bán phá giá đối với cá tra, cá basa với mức thuế ban đầu áp lên các doanh nghiệp Việt Nam lên tới gần 30%, gây ra không ít khó khăn cho ngành sản xuất. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực không ngừng, các doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được sự trong sạch và hợp pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua nhiều lần rà soát, mức thuế đã giảm đáng kể, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã có mức thuế 0%.
Theo đánh giá của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), ngành thủy sản là một trong những ngành có năng lực ứng phó với phòng vệ thương mại tốt nhất. Điều này được minh chứng qua việc xuất khẩu thủy sản vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định trong suốt nhiều năm qua, bất chấp việc phải đối mặt với nhiều vụ kiện.
Ngành thủy sản là một trong những ngành có năng lực ứng phó với phòng vệ thương mại tốt nhất. Ảnh: VASEP |
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: “Mặc dù các mặt hàng thủy sản chủ lực như tôm và cá tra vẫn tiếp tục bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có thuế suất 0% và duy trì được lượng xuất khẩu ổn định sang thị trường Hoa Kỳ. Kết quả này là nhờ có sự kiên trì và chủ động của các doanh nghiệp, sự tích cực của Hiệp hội và sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước”.
Cũng theo VASEP, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 170 quốc gia song hiện mới chỉ bị Hoa Kỳ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Đơn cử như vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh tại thị trường Hoa Kỳ, nhờ có sự chủ động và phối hợp tốt, nên trong phán quyết của DOC vào ngày 22/10 mới đây, mức thuế chung cho các doanh nghiệp Việt Nam chỉ là 2,84%, thấp nhất so với 3 nước còn lại là: Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Hay như vụ kiện chống lẩn tránh thuế đối với Công ty Minh Phú trước đây, sau nỗ lực chủ động phối hợp cung cấp hồ sơ, dữ liệu, Minh Phú đã chứng minh được rằng doanh nghiệp mình không vi phạm các quy định này và đã được phía DOC chấp nhận.
Nâng cao năng lực ứng phó phòng vệ thương mại
Trong những năm gần đây, ngành thủy sản Việt Nam đã phải đối mặt với không ít vụ kiện phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đã có sự chủ động hơn trong việc ứng phó với các vụ kiện này. Điều này thể hiện qua việc nhiều doanh nghiệp đã có thể giảm thiểu được mức thuế chống bán phá giá và duy trì được hoạt động xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của VASEP, năng lực ứng phó của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp này thường yếu về vốn, về quản trị, hệ thống sổ sách kế toán theo dõi cũng chưa được hoàn thiện. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn có tâm lý chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc phòng ngừa và ứng phó với phòng vệ thương mại.
Để chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, nắm bắt các quy định, quy trình điều tra của các nước nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng cần chủ động tham gia vào các cuộc điều tra, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là hệ thống kế toán, sổ sách, chứng từ để đảm bảo tính minh bạch và chính xác. Doanh nghiệp không nên quá phụ thuộc vào một thị trường mà cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro.
Ngoài ra, các cơ quan thương mại của Việt Nam tại các nước là đối tác xuất khẩu thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất về các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp cần theo dõi sát sao các thông tin này để nắm bắt tình hình và có những chuẩn bị cần thiết. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) là đầu mối chính thức cung cấp thông tin về các vụ kiện phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp nên thường xuyên cập nhật thông tin từ cơ quan này để nắm bắt tình hình chung và các quy định liên quan.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần tăng cường đổi mới, đa dạng hóa, tiến bộ hóa chất lượng mẫu mã ngành hàng xuất khẩu; chuẩn bị nguồn nhân lực của doanh nghiệp có hiểu biết liên quan tới phòng vệ thương mại và hệ thống quản trị liên quan như theo dõi nguyên liệu đầu vào, các chi phí thực tế… để chủ động ứng phó các tình huống có thể xảy ra trong hoạt động xuất nhập khẩu.