Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 14/11/2024 10:15
Tin nóng:
Cú huých lớn cho xuất khẩu thủy sản
Hiện nay, tôm đang chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Vương quốc Anh và tiếp theo là mặt hàng cá tra, chiếm 20%. Đây là những con số rất ấn tượng, đặc biệt khi xét đến việc Anh đang là thị trường đứng thứ sáu của thủy sản Việt Nam. Mặc dù chưa đạt đến mốc tỷ USD, nhưng trong 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Vương quốc Anh đã tăng trưởng khoảng 8% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng trung bình của các thị trường khác.
“Lợi thế lớn nhất mà UKVFTA mang lại là việc các mặt hàng thủy sản chính của Việt Nam được hưởng thuế nhập khẩu vào Anh về 0%. Điều này đã tạo ra một cú huých lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết.
Với ưu đãi thuế quan từ UKVFTA, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ đến từ các nước như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan... vốn chưa có FTA với Vương quốc Anh. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị nguồn nguyên liệu chất lượng, nâng cao năng lực sản xuất và đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường Anh.
Hiệp định UKVFTA đã mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Vương quốc Anh. Ảnh: VASEP |
Theo ông Nam, thành quả này là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng nhờ vào những tác động tích cực từ Hiệp định UKVFTA, đặc biệt là ưu đãi về thuế quan.
Để khai thác hiệu quả các lợi thế từ UKVFTA, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Vương quốc Anh và các nước phát triển khác. Các doanh nghiệp không nên chỉ tập trung vào các mặt hàng truyền thống như tôm, cá tra mà cần nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, đầu tư vào xây dựng thương hiệu để tạo dựng uy tín và vị thế trên thị trường quốc tế.
Lợi thế từ sự quen thuộc với thị trường EU
Một trong những thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập thị trường Vương quốc Anh là sự tương đồng về quy định giữa thị trường này và các nước EU. “Những quy định cơ bản về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm xã hội... của Vương quốc Anh vẫn tương đối giống với thời điểm còn là thành viên EU. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt Nam, vốn đã có kinh nghiệm xuất khẩu sang EU, dễ dàng thích nghi với thị trường Vương quốc Anh hơn”, ông Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khai thác tốt hơn thị trường Vương quốc Anh, VASEP thường xuyên cập nhật các thông tin mới nhất về các quy định liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) tại thị trường Vương quốc Anh. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt Nam tránh rủi ro bị cấm vận và bảo vệ uy tín của sản phẩm. VASEP đã xây dựng một cổng thông tin điện tử, nơi các doanh nghiệp có thể tìm thấy đầy đủ thông tin về quy định, thị hiếu tiêu dùng, và các cơ hội kinh doanh tại thị trường Anh.
Đặc biệt, VASEP đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Seafish – Liên đoàn thủy sản của Vương quốc Anh. Qua đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được nhiều thông tin hữu ích về thị trường, xu hướng tiêu dùng và các kênh phân phối. Bên cạnh kênh chính thống của Chính phủ Vương quốc Anh, seafish.com.org là một kênh hữu ích để doanh nghiệp có thêm nhiều thông tin về cả xu hướng tiêu dùng để có định hướng về mặt hàng.
Hiệp định UKVFTA đã mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Vương quốc Anh. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế từ hiệp định này, các doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng. Ông Vũ Việt Thành, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng bước đầu tiên và quan trọng nhất là doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ thông tin về thị trường Anh. Các nguồn thông tin uy tín mà doanh nghiệp có thể tham khảo bao gồm hệ thống dữ liệu về thương mại, hệ thống dữ liệu về doanh nghiệp và đóng thuế… của Chính phủ Anh thông qua các nền tảng của Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh (gov.uk) và công cụ tra cứu bản đồ thương mại ITC; cũng như thông tin về thị trường thông qua Cổng thông tin các Hiệp định thương mại tự do FTA của Bộ Công Thương, trang thông tin điện tử kết nối doanh nghiệp Việt Nam với nhà phân phối nước ngoài.
Để thành công tại thị trường Vương quốc Anh, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ. Đảm bảo toàn bộ quy trình sản xuất, từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng, đều tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm của Vương quốc Anh. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng để minh bạch thông tin về sản phẩm và tăng cường lòng tin của người tiêu dùng. Đầu tư vào công nghệ để nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất và tạo ra các sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao.
Đặc biệt, trước khi ký kết hợp đồng với đối tác tại Vương quốc Anh, doanh nghiệp cần tiến hành thẩm định kỹ lưỡng thông tin về đối tác để tránh rủi ro.