Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 17/12/2024 19:28
Tin nóng:
Việt Nam có nhiều điểm sáng để xuất khẩu nông sản sang châu Phi Thương mại điện tử - Bước đệm mới cho nông sản Việt Trung Quốc là thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam |
Nhật Bản có nền nông nghiệp hiện đại. Mặc dù vậy, nông nghiệp Nhật Bản mới chỉ đáp ứng được trên 45% nhu cầu tiêu dùng trong nước và hàng năm vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Đây được coi là lợi thế của Việt Nam để mở rộng xuất khẩu hàng hóa nông sản vào Nhật Bản. Tuy nhiên, việc thâm nhập thị trường Nhật Bản không hề dễ dàng.
Thực trạng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Nhật Bản
Hiện nay, dù tiềm năng là rất lớn, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Nhật Bản vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm chưa đến 2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này là do một số hạn chế như Việt Nam mới chỉ tập trung vào một số nhóm hàng nông sản chính, trong khi nhiều sản phẩm thế mạnh như gạo, chè, sản phẩm chăn nuôi vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng. Hơn nữa, Nhật Bản có những quy định rất nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác có thế mạnh về nông sản như Mỹ, Australia, New Zealand.
Công nhân đang sơ chế vải thiều để thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Danh Lam |
Nhật Bản có dân số lớn, thu nhập cao và có nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao nên lợi thế của nông sản Việt Nam là sự đa dạng về chủng loại, chất lượng, hương vị đặc trưng và giá thành cạnh tranh. Nhưng bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản còn những hạn chế do sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, ứng dụng công nghệ chưa cao dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, ổn định. Bao bì đóng gói sản phẩm còn đơn giản, mẫu mã không hấp dẫn người tiêu dùng. Hệ thống truy xuất nguồn gốc chưa hoàn thiện, gây khó khăn trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đáng chú ý, việc Việt Nam xây dựng một chuỗi cung ứng hiệu quả không chỉ tăng cường sự gắn kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Để đạt được điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, bảo quản, đến việc tối ưu hóa hệ thống logistics và tiếp cận thị trường.
Cơ hội đến từ nhu cầu của thị trường Nhật Bản
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Ito Naoki khẳng định tiềm năng to lớn của hợp tác nông nghiệp giữa hai nước. Ông nhấn mạnh rằng, với quy mô thị trường lớn và nhu cầu về nông sản sạch, an toàn ngày càng tăng, Nhật Bản sẽ là một thị trường đầy hấp dẫn đối với nông sản Việt Nam.
"Việt Nam có lợi thế về đất đai, khí hậu và nguồn nhân lực dồi dào, trong khi Nhật Bản sở hữu công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Sự kết hợp này sẽ tạo ra những cơ hội hợp tác đầy tiềm năng", Đại sứ Ito Naoki chia sẻ.
Theo ông Ito Naoki, mặc dù có quy mô kinh tế lớn gấp 10 lần Việt Nam, nhưng dân số tham gia sản xuất nông nghiệp tại Nhật Bản lại giảm mạnh và có xu hướng già hóa. Điều này dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nông sản ngày càng tăng, đặc biệt là các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và có nguồn gốc rõ ràng.
Bên cạnh đó, để tận dụng tốt cơ hội này, hai nước đang đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu đến thúc đẩy xuất khẩu. Việc ký kết hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty TNHH Aeon Topvalu là một ví dụ điển hình cho sự hợp tác này. Qua đó, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sẽ được phân phối rộng rãi tại các siêu thị Aeon trên khắp Nhật Bản. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Việt Nam cũng đang triển khai hệ thống khuyến nông cộng đồng, giúp nông dân tiếp cận các kỹ thuật canh tác tiên tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối nông sản, bao gồm việc sử dụng phần mềm quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ blockchain và các ứng dụng di động để theo dõi sản phẩm từ nông trại đến tay người tiêu dùng, giúp tăng cường tính minh bạch và đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, nông dân Việt Nam sẽ được đào tạo về các quy trình sản xuất hiện đại, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và cách thức tiếp thị hiệu quả.
Để nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường Nhật Bản, việc xây dựng thương hiệu là vô cùng quan trọng. Qua các hoạt động hợp tác, hình ảnh nông sản Việt Nam sẽ ngày càng được người tiêu dùng Nhật Bản tin cậy và lựa chọn.
Hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản đang mở ra những triển vọng mới cho nông dân Việt. Với sự hỗ trợ của Nhật Bản, nông sản Việt Nam không chỉ đáp ứng được nhu cầu của thị trường nội địa mà còn vươn xa ra thị trường quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới.