Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 12/12/2024 17:24
Tin nóng:
Xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam giành lại được mốc 1 tỷ USD sau 10 năm Xuất khẩu hồ tiêu cao kỷ lục, người trồng được hưởng lợi Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) tăng mạnh |
Theo số liệu Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam vừa công bố cho thấy, trong tháng 11/2024, Việt Nam xuất khẩu được 15.948 tấn hồ tiêu các loại, trong đó, tiêu đen đạt 13.606 tấn, tiêu trắng đạt 2.342 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 106,5 triệu USD, trong đó, tiêu đen đạt 87,5 triệu USD, tiêu trắng đạt 19,0 triệu USD. So với tháng 10, lượng xuất khẩu giảm 13,8% và so với cùng kỳ năm 2023 xuất khẩu giảm 21,4%.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 11 đạt 6.513 USD/tấn, tiêu trắng đạt 8.286 USD/tấn, tăng lần lượt 229 USD đối với tiêu đen và 57 USD đối với tiêu trắng so với tháng 10/2024. Olam vẫn là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất trong tháng 11 đạt 2.089 tấn, so với tháng trước xuất khẩu giảm 19,5%.
Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Đức tăng gần 68% về lượng. Ảnh: Hoàng Thiên |
Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Hoa Kỳ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất chiếm 31,9% đạt 5.089 tấn. Tiếp theo là các thị trường UAE đạt 927 tấn, Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 895 tấn, Hà Lan đạt 760 tấn và Hàn Quốc đạt 600 tấn.
Tính chung, 11 tháng năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt 235.335 tấn với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2176 tỷ USD, trong đó, tiêu đen đạt 1,361 tỷ USD, tiêu trắng đạt 181,5 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023, lượng xuất khẩu giảm 3,5%, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 46,9%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 11 tháng đạt 5.073 USD/tấn, tăng 47,3% và tiêu trắng đạt 6.772 USD/tấn, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam đạt 67.802 tấn, tăng 41,1% và chiếm 28,8% tổng lượng xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam. Tiếp theo là các thị trường UAE đạt 15.495 tấn, tăng 42,7% chiếm 6,6%; Đức đạt 14.170 tấn, tăng 67,7% chiếm 6,0%; xuất khẩu hồ tiêu cũng tăng ở thị trường Hà Lan (41,8%); Hàn Quốc tăng 34,8%; Pakistan tăng 34,5%; Canada tăng 19,7%; Nga tăng 15,5%, Anh tăng 14,0%… Đặc biệt, xuất khẩu hồ tiêu sang Hồng Kông (Trung Quốc) 11 tháng năm 2024 đạt 3.933 tấn so với 129 tấn cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của hồ tiêu Việt Nam trong 11 tháng năm 2024 và đạt 9.661 tấn, giảm 83,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu hồ tiêu Việt Nam 11 tháng năm 2024 bao gồm Olam Việt Nam đạt 25.249 tấn, tăng 44,9%; Phúc Sinh đạt 21.287 tấn, tăng 49,4%; Nedspice Việt Nam đạt 18.887 tấn, tăng 7,9%; Haprosimex JSC đạt 17.097 tấn, tăng 70,6% và Trân Châu đạt 15.256 tấn, tăng 0,8%.
Theo báo cáo mùa vụ mới đây của Công tyNedspice, sản lượng hồ tiêu toàn cầu được ước tính đạt khoảng 449.000 tấn trong mùa vụ 2023-2024 vừa qua, giảm khoảng 5% so với niên vụ trước.
Diện tích canh tác giảm tại Việt Nam và thời tiết bất lợi tại Brazil do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Niño được cho những yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm trên.
Giá tăng sẽ khuyến khích nông dân tăng cường nỗ lực canh tác, giúp nâng cao năng suất trên mỗi ha trong những năm tới.
Tuy nhiên, các khu vực trồng mới sẽ cần thời gian để cho ra sản phẩm, do đó các quốc gia sản xuất như Việt Nam khó có thể phục hồi đáng kể trong thời gian ngắn. Dù vậy, những tín hiệu ban đầu cho vụ mùa năm 2025 tại Việt Nam khá tích cực, với tiềm năng đạt năng suất cao nếu điều kiện thời tiết thuận lợi.
Còn theo số liệu ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 11, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 16.000 tấn, tương đương kim ngạch 110 triệu USD, giảm 13,1% về lượng và 9% về kim ngạch so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái giảm 20,8% về lượng và tăng tới 41,5% về kim ngạch.
Tính chung 11 tháng tháng năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này đạt 235 nghìn tấn với kim ngạch thu về 1,22 tỷ USD, giảm 4,4% về lượng nhưng tăng đến 46,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả này giúp cho hồ tiêu trở thành mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 11 tháng đầu năm.
Kim ngạch xuất khẩu tiêu tăng mạnh là nhờ giá tiêu xuất khẩu trong 11 tháng cao hơn 53,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 5.198 USD/tấn.
Chỉ tính riêng trong tháng 11, giá tiêu xuất khẩu bình quân lên tới 6.856 USD/tấn, tiếp tục tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 78,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức giá cao nhất đạt được trong nhiều năm trở lại đây.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhận định năm nay, giá tiêu tăng mạnh nhờ các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Ngược lại, thị trường quan trọng là Trung Quốc lại giảm mua. Bà Liên cũng kỳ vọng trong năm 2025 Trung Quốc sẽ quay lại thị trường.
Còn theo nhận định của các chuyên gia, giá hồ tiêu hiện đã bước qua chu kỳ giảm và đang bắt đầu chu kỳ tăng giá do nguồn cung sụt giảm.
Giá hạt tiêu đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước, tạo động lực lớn cho nông dân đầu tư mạnh vào cây tiêu. Tuy nhiên, cây trồng này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm biến đổi khí hậu, sâu bệnh ngày càng phức tạp, sự cạnh tranh với các loại cây trồng khác, và chi phí sản xuất tăng cao.
Hướng tới năm 2025, ngành hồ tiêu sẽ tập trung hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn thực phẩm. Điều này nằm trong chiến lược dài hạn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường quốc tế, góp phần củng cố vị thế của hồ tiêu Việt Nam trên thế giới.
Tuy nhiên, các hộ nông dân được khuyến nghị không nên bán tiêu sớm hay vay vốn để trữ tiêu, tránh rủi ro từ biến động giá. Thay vào đó, cần cân đối tài chính để dự trữ hàng và chờ cơ hội giá cao hơn vào cuối năm 2025.
Tuy nhiên, do sức ép mua hàng vào đầu vụ chưa cao, nên các hộ nông dân không nên quá nôn nóng bán tiêu sớm, đặc biệt là không nên vay vốn để trữ tiêu nhằm tránh những rủi ro do biến động thị trường. Thay vào đó, cần cân đối ngân sách cho việc dự trữ tiêu, đến khoảng cuối năm sau có thể giá sẽ tốt hơn.