Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 28/11/2024 17:44
Tin nóng:
10 tháng năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu thu về 1,1 tỷ USD Giá xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 6.856 USD/tấn trong nửa đầu tháng 11/2024 |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 11 đạt 7.642 tấn, trị giá 52,4 triệu USD, giảm 9,9% về lượng và giảm 5% về trị giá so với nửa đầu tháng 10, còn so với cùng kỳ năm ngoái giảm tới 18,8% về lượng nhưng vẫn tăng 44,3% về trị giá.
Luỹ kế từ đầu năm đến ngày 15/11, xuất khẩu tiêu đạt 226.366 tấn, trị giá 1,16 tỷ USD, giảm 3,6% về lượng nhưng tăng tới 46,9% về trị giá so với cùng kỳ nhờ giá tăng cao.
Từ đầu năm đến nay, giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 52,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 5.137 USD/tấn.
Riêng trong nửa đầu tháng 11, giá xuất khẩu hồ tiêu lên đến 6.856 USD/tấn, tăng 4,7% so với tháng 10 và tăng 77,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức giá cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 1 năm 2017 đến nay.
Xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam giành lại được mốc 1 tỷ USD sau 10 năm |
10 tháng năm 2024, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu sang Thổ Nhĩ Kỳ giảm 34% so với cùng kỳ năm trước, còn 4.307 USD/tấn.
Ngược lại, giá bình quân hồ tiêu xuất khẩu Ukraine trong kỳ tăng tới 75% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 6.076 USD/tấn; sang Kazakhstan tăng 60% so với cùng kỳ năm trước, lên 4.472 USD/tấn; UAE tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước, lên 5.353 USD/tấn; Nga tăng 52% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5.216 USD/tấn...
Giá xuất khẩu hồ tiêu bình quân của Việt Nam sang một số thị trường lớn cũng tăng vượt trội. Cụ thể, giá xuất khẩu hồ tiêu bình quân sang Mỹ tăng 31% so với cùng kỳ năm trước lên 5.268 USD/tấn; sang Đức tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước đạt 5.552 USD/tấn; Hà Lan tăng 28% so với cùng kỳ năm trước lên 5.715 USD/tấn...
Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu tăng mạnh là nhờ giá tiêu xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2024 cao hơn 51,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt bình quân 5.077 USD/tấn.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam trong 10 tháng đầu năm, chiếm 29,3% khối lượng và 30,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 64.112 tấn, trị giá 337,8 triệu USD, tăng 48% về lượng và 95,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Đức đứng thứ hai, tăng tới 82,3% về lượng và gấp 2,4 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 14.346 tấn, trị giá 79,6 triệu USD, chiếm 6,6% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng.
Tiếp theo là các thị trường: UAE với 13.575 tấn, chiếm 6,2%, tăng 35,9%; Ấn Độ với 9.462 tấn, chiếm 4,3%. Ngoài ra, lượng tiêu xuất khẩu sang nhiều thị trường khác như Hà Lan, Hàn Quốc, Nga, Anh, Pakistan, Ai Cập, Thái Lan, Pháp,… đều tăng trưởng ở mức 2 con số.
Ngược lại, theo số liệu của VPSA, Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 6 về thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam từ vị trí số một của năm ngoái, với khối lượng đạt 9.252 tấn, giảm đến 84 % so với cùng kỳ.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), ước tính xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam có thể đạt 1,4 tỷ USD trong năm nay. Đây là mốc kỷ lục mới của ngành. Kết quả đó là nhờ thời gian qua, giá hồ tiêu đang trong chu kỳ tăng và hiện duy trì mức cao gần gấp đôi các năm trước. Ngày 28/11, mức giá giao dịch tăng 1.000 đồng/kg, lên mức 140.000 – 142.000 đồng/kg.
Trong 2 tháng cuối năm 2024, trung bình mỗi tháng Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 25.000 tấn hồ tiêu. Với mức giá xuất khẩu hiện là 6.000 USD/tấn, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu 2 tháng cuối năm ước đạt khoảng 300 triệu USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu và gia vị của Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 1,4 tỷ USD.
Bà Hoàng Thị Liên cho biết, dự kiến sản lượng niên vụ 2024-2025 sẽ tăng nhờ giá tiêu cao nên bà con chăm sóc vườn tốt hơn. Theo bà Liên, sức mua tăng từ thị trường Âu, Mỹ đã bù đắp lại cho sụt giảm đáng kể từ thị trường Trung Quốc.
VPSA kỳ vọng mùa vụ sau, thị trường Trung Quốc sẽ thu mua tích cực trở lại vì năm 2024, thị trường này chỉ mua khoảng 10.000 tấn.
Ngoài ra, các chuyên gia nhận định, giá hồ tiêu hiện đã bước qua chu kỳ giảm và đang bắt đầu chu kỳ tăng giá do nguồn cung sụt giảm. Tuy nhiên, do sức ép mua hàng vào đầu vụ chưa cao, nên các hộ nông dân không nên quá nôn nóng bán tiêu sớm, đặc biệt là không nên vay vốn để trữ tiêu nhằm tránh những rủi ro do biến động thị trường. Thay vào đó, cần cân đối ngân sách cho việc dự trữ tiêu, đến khoảng cuối năm sau có thể giá sẽ tốt hơn.
Ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nguồn cung cấp gia vị chất lượng cao, được sản xuất bền vững, có hồ sơ truy xuất nguồn gốc và đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, Đức, UAE...
Hiện nay, cả nước có hơn 115.000 ha hồ tiêu và cây gia vị, tập trung phần lớn ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ – Tây nguyên với hơn 75.300 ha; còn lại ở khu vực Nam bộ và phía Bắc.Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn, chiếm khoảng 11% thị phần hồ tiêu và gia vị toàn cầu.
Cũng theo VPSA, trong kế hoạch chiến lược năm 2025 của ngành hồ tiêu và cây gia vị, hiệp hội sẽ tăng cường hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm.