Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 04/05/2025 05:58
Tin nóng:
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ tư của Việt Nam Campuchia là nhà cung cấp cao su lớn nhất cho Việt Nam Giá duy trì ở mức cao, xuất khẩu cao su của Việt Nam thu về 3,18 tỷ USD |
Cao su Việt Nam lập kỷ lục xuất khẩu mới, giá tăng phi mã
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2024 đã chứng kiến một năm bội thu của ngành cao su Việt Nam, xuất khẩu cao su Việt Nam đạt 2 triệu tấn, trị giá 3,4 tỷ USD. Đây là mức kim ngạch xuất khẩu cao su cao nhất từ trước tới nay. Trước đây, kim ngạch xuất khẩu cao su đạt cao nhất vào năm 2022 với 3,3 tỷ USD.
Giá xuất khẩu bình quân cao su trong cả năm 2024 đạt 1.701 USD/tấn, cao hơn khá nhiều so với giá bình quân năm 2023 là 1.350 USD/tấn.
![]() |
Năm 2024 đã chứng kiến một năm bội thu của ngành cao su Việt Nam. Ảnh: Hiệp hội Cao su Việt Nam |
Đặc biệt, thị trường Trung Quốc - một trong những thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam đã chứng kiến mức tăng giá chóng mặt. Trong tháng 1/2024, giá bình quân xuất khẩu sang Trung Quốc là 1.388 USD/tấn, tháng 2 tăng lên 1.433 USD/tấn. Tháng 4, giá cao su bình quân xuất khẩu sang Trung Quốc là 1.510 USD/tấn, tới tháng 7 đạt bình quân 1.619 USD/tấn. Tháng 9/2024, giá xuất khẩu bình quân 1.724 USD/tấn, và tháng 11 là 1.905 USD/tấn, cao hơn 40% so với tháng 11/2023. Tính chung 11 tháng năm 2024, giá bình quân cao su xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1.653 USD/tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá bình quân xuất khẩu các mặt hàng cao su sang Trung Quốc trong năm 2024 đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có nhiều chủng loại tăng rất mạnh. Cụ thể, trong 11 tháng năm 2024, cao su RSS1 tăng 43%; Latex tăng 37%; SVR CV50 tăng 31%; RSS3 tăng 30%; SVR CV60 tăng 25%; hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp tăng 25%; SVR3L tăng 24%; SVR10 tăng 21%.
Trong năm 2024, giá cao su trên thị trường quốc tế tăng cao do nguồn cung thiếu hụt so với nhu cầu. Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), ước tính 10 tháng năm 2024, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt 11,2 triệu tấn, trong khi nhu cầu cao su tự nhiên là 12,1 triệu tấn. Như vậy, nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu trong 10 tháng năm 2024 bị thiếu hụt khoảng 900 nghìn tấn so với nhu cầu tiêu thụ.
Cũng theo ANRPC, dự kiến sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu năm 2024 tăng 4,5% so với năm 2023, đạt hơn 14,5 triệu tấn. Tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2024 dự kiến giảm 0,2% so với năm 2023, ở mức hơn 15 triệu tấn. Dù nhu cầu giảm trong khi sản lượng tăng, song cán cân cung - cầu cao su toàn cầu lại đang nghiêng về phía cầu.
Tăng trưởng mạnh mẽ nhờ khai thác tối đa giá trị bền vững
Theo dự báo mới nhất từ Hiệp hội Cao su Việt Nam, năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm bội thu đối với ngành cao su nước nhà. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành được kỳ vọng sẽ đạt mốc 11 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng khoảng 10% so với năm 2024.
Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, trong đó có việc ngành cao su Việt Nam đang tập trung khai thác tối đa giá trị bền vững từ nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường và tái chế. Xu hướng này không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới về các sản phẩm bền vững mà còn giúp nâng cao vị thế của cao su Việt Nam trên bản đồ thương mại quốc tế.
![]() |
Năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm bội thu đối với ngành cao su trong nước. Ảnh: Việt Hằng |
Trung Quốc, vốn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của ngành. Các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là các gói đầu tư vào hạ tầng công nghiệp, đã mang lại những hiệu quả tích cực. Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc, một trong những khách hàng lớn nhất của cao su, được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025, nhờ cả nhu cầu nội địa và xuất khẩu.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng, giá cao su trong nước và quốc tế trong giai đoạn đầu năm 2025 sẽ phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả của các chính sách kinh tế mà Trung Quốc đang triển khai. Sự biến động của đồng Nhân dân tệ, các quy định mới về môi trường và các yếu tố địa chính trị cũng có thể ảnh hưởng đến giá cao su.
Một trong những thách thức chính của ngành cao su gần đây là Hiệp định EUDR, yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu, kể cả cao su, phải truy xuất được nguồn gốc và tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Đây là thách thức lớn đối với ngành cao su Việt Nam, vốn đang cố gắng cải tiến chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu bền vững. |