Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 20/03/2025 17:30
Tin nóng:
Năm 2024 đã đánh dấu kết quả nổi bật trong quan hệ thương mại Việt Nam - Lào với kim ngạch thương mại song phương ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng xấp xỉ 34% so với năm trước đó. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên kim ngạch thương mại giữa hai nước Việt Nam - Lào vượt mốc trên 2 tỷ USD, vượt xa mục tiêu do Chính phủ hai nước đề ra.
![]() |
Nhiều sản phẩm của các tỉnh Tây Nguyên có cơ hội kết nối tiêu thụ với các kênh phân phối ở Lào và Campuchia. Ảnh: V.T |
Theo nhận định từ các chuyên gia, Việt Nam và Lào có chung đường biên giới dài hơn 2.300km đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên, là khu vực có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây. Toàn tuyến biên giới Việt Nam-Lào có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và đã thành lập 9 khu kinh tế cửa khẩu…
Ngoài ra, thương mại hai nước được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng của hai nước theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào. Hơn nữa, thị trường Lào không yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng có nhiều thiện cảm với hàng hóa từ Việt Nam. Do đó, đây là những cơ hội quan trọng để hai nước tăng trưởng kim ngạch thương mại trong thời gian tới.
Năm 2025, hai nước đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương khoảng 10-15%. Để đạt được mục tiêu trên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, bên cạnh những giải pháp như tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ về chính trị, ngoại giao, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư-thương mại Việt Nam-Lào. Hai nước cần có những chính sách tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng cơ hội giao thương giữa doanh nghiệp hai nước. Cùng với đó, xây dựng thương hiệu, kênh phân phối cho hàng hóa cho hàng Việt Nam tại Lào và ngược lại.
Hai bên cũng cần tăng cường tính kết nối thông qua thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào, tập trung các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến để trở thành hàng hóa xuất khẩu; năng lượng tái tạo đặc biệt các dự án tại khu vực biên giới hai nước kết nối với lưới điện Việt Nam; mỏ khai khoáng chế biến sâu dành cho doanh nghiệp Việt Nam; kết nối du lịch. Xem xét, thí điểm cơ chế, chính sách mới, đặc thù để thu hút doanh nghiệp Việt Nam liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư tại Lào. Cùng với đó, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại giữa hai bên...
Việt Nam - Lào đã ký kết Hiệp định thương mại phiên bản mới và Biên bản ghi nhớ về hợp tác chống buôn lậu và trốn thuế qua biên giới Lào - Việt Nam vào tháng 4/2024; đồng thời tiếp tục xây dựng khung pháp lý ưu tiên thương mại đặc biệt cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước. Đây là cơ hội để doanh nghiệp hai nước thúc đẩy cơ hội giao thương trong giai đoạn tới. |