Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 24/11/2024 11:19
Tin nóng:
Việt Nam giảm nhập khẩu hồ tiêu từ thị trường Brazil Việt Nam chi 102 triệu USD để nhập khẩu hồ tiêu trong 9 tháng Việt Nam nhập khẩu hồ tiêu của Brazil với giá là bao nhiêu? |
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, chỉ trong 10 tháng qua, các doanh nghiệp chi ra 108 triệu USD (tương đương 2.700 tỷ đồng) để nhập khẩu hạt tiêu. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu mặt hàng này tăng mạnh 38,2%.
Trong đó, các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu hạt tiêu từ Brazil, Indonesia và Campuchia.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh, cho rằng ngành hồ tiêu Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu ở mức cao do nguồn cung hạn chế.
Nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam tăng mạnh trong 10 tháng |
Theo đó, năm nay nông dân trồng tiêu được hưởng lợi nhờ giá bán tăng quá cao. Ngược lại, doanh nghiệp xuất khẩu lại không mua được nhiều tiêu trong nước. Đây cũng là một phần lý do Phúc Sinh đã phải nhập khẩu hồ tiêu rất nhiều từ Brazil và Indonesia trong năm nay.
Nguyên nhân là bởi, sản lượng giảm, bà con giữ hạt tiêu lại đầu cơ. Cùng với đó, tình trạng hạn hán kéo dài khiến nguồn cung hồ tiêu trong nước ngày càng khó khăn.
Ở chiều ngược lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hồ tiêu là mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong 10 tháng năm 2024.
Trong 10 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 220,3 nghìn tấn hồ tiêu, giá trị ước đạt 1,12 tỷ USD. Tuy khối lượng hồ tiêu xuất khẩu giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị lại tăng mạnh 48,2%. Như vậy, chỉ sau 10 tháng nhưng ngành hàng này đã sớm vượt mốc 1 tỷ USD lần đầu tiên sau 6 năm.
Giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt 5.084 USD/tấn, tăng 51,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường, Mỹ, Đức và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) là 3 khách hàng lớn nhất, chiếm 44,2% giá trị xuất khẩu “vàng đen” của nước ta trong 9 tháng năm 2024. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Đức tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đà tăng trưởng ấn tượng này đến từ việc giá tiêu tăng cao do nguồn cung toàn cầu suy giảm trong khi nhu cầu phục hồi mạnh tại các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, 8 tháng đầu năm 2024, EU nhập khẩu 44.870 tấn hồ tiêu từ thị trường ngoại khối, trị giá gần 216 triệu EUR, tăng 33,3% về lượng và tăng 49,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất cho EU, với lượng nhập khẩu đạt trên 29.736 tấn, trị giá 138,3 triệu EUR, tăng 41,8% về lượng và tăng 66,5% về trị giá.
Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối chiếm 66,3% tổng lượng và chiếm 63% tổng trị giá trong 8 tháng đầu năm 2024.
Còn theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, trong 8 tháng đầu năm, quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới này đã mua 63.294 tấn hồ tiêu các loại, trị giá 306,9 triệu USD, tăng 37% về lượng và tăng 44,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Mỹ với khối lượng đạt 49.277 tấn, tăng 35,4% so với cùng kỳ và chiếm gần 78% dung lượng nhập khẩu của thị trường
Tại thị trường trong nước, giá tiêu hôm nay ngày 2/11/2024, tại khu vực Đông Nam Bộ giảm mạnh 1.000 - 1.300 đồng/kg so với ngày hôm qua, giao dịch quanh mốc 140.000 -141.200 đồng/kg.
Tổng kết tháng 10/2024, giá tiêu trong nước mất trung bình 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo thống kê dựa trên số liệu của Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) thì tháng 10/2024, giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam giảm 300 USD/tấn. Giá tiêu các nước có chung đà giảm trong tháng.
Giá tiêu đang chịu áp lực giảm khi các công ty nông nghiệp, đại lý và các bên trung gian đang tích cực bán ra. Hoạt động này chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu thanh khoản. Khi người bán tìm cách huy động vốn để đầu tư vào cà phê, loại nông sản đang trong mùa thu hoạch.
Hiện giá tiêu trong nước vẫn đang cao hơn gần 80% so với đầu năm và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.