Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ hai 25/11/2024 00:44
Tin nóng:
Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc Malaysia chính thức xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc: Thị phần của Việt Nam có bị ảnh hưởng? |
Trong 5 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 22,64 tỷ USD, tăng 10,2% và trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 77,5 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu 22,64 tỷ USD, tăng 10,2%, nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 54,85 tỷ USD, tăng 33,1% so với cùng kỳ, nhập siêu 32,2 tỷ USD.
Như vậy, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Ảnh: VITV |
Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu sang thị trường tỷ dân 5 tháng đầu năm 2024 là nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 4,7 tỷ USD, tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 21% tỷ trọng xuất khẩu; tiếp đến là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 20,7% tỷ trọng xuất khẩu.
Những nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước là nhóm hàng rau quả tăng 32,9%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 96,2%; hóa chất tăng 88,3%; hạt điều tăng 45,6%; cà phê tăng 52,9%; quặng và khoáng sản khác tăng 250,8%.
Theo ghi nhận từ Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc), nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu phục hồi rất tích cực. Hoạt động ngoại thương với Việt Nam cũng đang trên đà khởi sắc. Việt Nam giữ vị trí nước có quan hệ thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc (sau Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản).
Trong khối ASEAN, Việt Nam giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất, đối tác nhập khẩu lớn nhất và đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 sang Trung Quốc (chỉ sau Malaysia với 33 tỷ USD).
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều cơ hội để vào sâu thị trường này do trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế các doanh nghiệp châu Âu.
Các sản phẩm doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm nhiều thời gian qua là nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, nông, thủy sản, đặc biệt Trung Quốc tiếp tục tăng cường nhập khẩu các loại nông sản nhiệt đới, trong đó có các sản phẩm nông sản trái cây chất lượng của Việt Nam như sầu riêng, dưa hấu, chuối...
Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc, Thương vụ đã phối hợp mật thiết với các cơ quan có liên quan hai bên để tiếp tục thúc đẩy thương mại song phương, tạo thuận lợi hóa cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm nông sản trái cây đang vào vụ.
Thêm đó, Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam liên tục có các buổi làm việc để giải quyết một số khó khăn để tạo thuận lợi cho trái cây của ta xuất khẩu sang sở tại.
Thương mại song phương 2 nước còn nhiều dư địa tăng trưởng, dựa trên nhiều nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định thương mại đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hiện, Trung Quốc đang thúc đẩy việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...