Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 23/11/2024 05:19
Tin nóng:
Xuất khẩu gặp khó vì chi phí vận tải tăng cao Xuất khẩu Việt Nam năm Giáp Thìn liệu có “hoá rồng”? Kim ngạch thương mại của Hoa Kỳ và đối tác năm 2023 đạt 5,1 ngàn tỷ USD |
Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 1/2024, hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều khởi sắc. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng đầu năm ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 42%, nhập khẩu ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 33,3%.
Trong tháng 1/2024 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 65,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ; hàng dệt và may mặc; giầy dép các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Đáng chú ý, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đồng đều cả ở nhóm nông lâm thủy sản (tăng tới 98,6%) và nhóm công nghiệp chế biến (tăng 38,4%). Đối với xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tháng 1/2024 chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước đạt 28,52 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng trước.
“Xuất khẩu tăng với tốc độ kinh ngạc so với cùng kỳ năm trước, nhờ phục hồi ổn định trong xuất khẩu hàng điện tử và sự tăng trưởng đáng kể của xuất khẩu dệt may, máy móc và đồ gỗ”, ông Trung nhận định.
Xuất khẩu tăng mạnh ngay từ đầu năm 2024. Ảnh: J.K |
Ngoài xuất nhập khẩu, khu vực công nghiệp phục hồi mạnh. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 ước tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Các tỉnh có tốc độ tăng trưởng IIP cao nhất là: Trà Vinh, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Long, Kiên Giang, Thanh Hóa, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Lào Cai…
Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ; nguồn cung các mặt hàng dồi dào, không để xảy ra thiếu hàng sốt giá. Các địa phương tăng cao tiêu biểu là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Bình Định…
Nông, thủy sản tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu. Ảnh: J.K |
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy tiềm năng xuất khẩu hàng điện tử, dệt may, máy móc, đồ gỗ và nông sản. Đồng thời cũng là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế trong bối cảnh thị trường quốc tế ngày càng cạnh tranh và biến động. Ông Long cho rằng bước sang năm 2024, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều yếu tố tích cực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giúp tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Tuy vậy, để thúc đẩy tăng trưởng xuất khấu, chúng ta cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và ưu tiên thúc đẩy phát tiển kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, cần có chính sách phù hợp để tận dụng Hiệp định thương mại tự do FTA và tăng cường các dịch vụ du lịch quốc tế nhằm tạo ra nguồn thu cho đất nước. Thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp này sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế và củng cố sự phục hồi sau thời gian khó khăn do đại dịch gây ra.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý và có trọng tâm, trọng điểm. Việc điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa chủ động, linh hoạt sẽ đảm bảo sự ổn định và hiệu quả của các biện pháp kích cầu.
“Để thực hiện các giải pháp này, cần có sự quyết tâm và tập trung từ phía Chính phủ, bộ, ngành, doanh nghiệp… Đồng thời, nhanh nhạy nắm bắt diễn biến thị trường và kịp thời phản ứng bằng các chính sách phù hợp nhằm tận dụng cơ hội một cách hiệu quả. Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, việc có các chính sách linh hoạt và phản ứng nhanh chóng là chìa khóa để cải thiện khả năng cạnh tranh và tối ưu hóa lợi ích kinh tế của quốc gia”, ông Long nhấn mạnh.
Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tháng 1/2024 chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước đạt 28,52 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng trước. Ảnh: J.K |
Theo các chuyên gia đến từ VinaCapital, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ lên mức tăng 7% năm 2024. Theo đó, sau một năm 2023 đầy thách thức, năm 2024 sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế Việt Nam, nhờ vào sự hồi phục của ngành sản xuất và cải thiện tâm lý tiêu dùng. Việc giảm lãi suất trong năm 2023 dự kiến cũng sẽ hỗ trợ cho thị trường bất động sản phục hồi, tương tự như đã xảy ra trên thị trường chứng khoán trong năm trước.
Rủi ro lớn nhất trong dự báo khá tích cực của VinaCapital là viễn cảnh nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng, sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm “Made in Vietnam” suy giảm. Giá trị của USD sẽ tăng trong tình huống này do xu hướng nắm giữ USD và điều này sẽ hạn chế khả năng Việt Nam cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể ứng phó với tình huống nêu trên bằng các giải pháp kích thích tài khóa, bao gồm gia tăng đầu tư công.