Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 27/11/2024 00:04
Tin nóng:
FPT và hành trình cán mốc 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm Năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam làm gì để giữ vững “phong độ”? |
Đầu Xuân Giáp Thìn, những vấn đề mà xuất khẩu Việt Nam phải nỗ lực vượt qua trong năm là nội dung câu chuyện cùng chuyên gia kinh tế PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân).
Thưa chuyên gia, xin được bắt đầu câu chuyện năm mới từ một điểm nóng năm cũ liên quan đến xuất khẩu: Biển Đỏ. Ông dự cảm thế nào về điểm nóng này cùng tác động tới xuất khẩu trong năm 2024 của Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Biển Đỏ là điểm nóng chưa thể kết thúc trong năm 2024 vì chiến lược cạnh tranh giữa các nước lớn. Những diễn biến liên quan đến Biển Đỏ làm tăng chi phí hàng xuất khẩu của Việt Nam trên tuyến đường sang châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông và bờ Đông nước Mỹ. Đây là những thị trường có lượng hàng xuất khẩu đáng kể của chúng ta không chỉ hiện tại mà còn cả tương lai. Xung đột trên Biển Đỏ có nguy cơ làm gián đoạn, thậm chí gây đứt gãy chuỗi cung ứng của Việt Nam, làm giảm quyết tâm nhập khẩu hàng Việt Nam của các đối tác do cước phí vận tải và bảo hiểm tăng.
Các diễn biến tại khu vực Biển Đỏ gây quan ngại cho xuất khẩu thế giới. Ảnh minh họa |
Cần nhận rõ là dù điều kiện hợp đồng là giá FOB (xuất khẩu) và CIF (nhập khẩu) thì giá hàng đều tăng cao. Nếu giá tăng quá cao vượt quá khả năng chi trả của đối tác sẽ giảm nhập khẩu, thậm chí huỷ hợp đồng, rủi ro cao và thiệt hại khó tránh khỏi. Xung đột này nếu còn kéo dài sẽ gây khó trong việc thực hiện Chiến lược xuất - nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 khi khu vực này có tầm quan trọng đáng kể trong Chiến lược.
Để giảm thiểu thiệt hại, nên có giải pháp quyết liệt cả doanh nghiệp lẫn Chính phủ và cả đối tác. Doanh nghiệp có thể đàm phán lại hợp đồng và đặc biệt là cố gắng không để “vuột” mất đối tác, thậm chí chấp nhận rủi ro và thiệt hại nhất định để duy trì quan hệ bạn hàng. Có hình thức sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để kháng cự lại thiệt hại bất ngờ, khai thác thị trường trong nước để tiêu thụ hàng tồn kho không xuất được, phát triển các sàn thương mại trực tuyến để kết nối, chia sẻ khó khăn trong các mạng lưới hay hiệp hội, triển khai cơ chế hàng đổi hàng để giảm thiểu thiệt hại.
Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, việc cung cấp thông tin về tình hình Biển Đỏ cần thường xuyên để doanh nghiệp có sự lựa chọn hợp lý như thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại các vùng xung đột, từ Việt kiều, đối tác cũng như cách phản ứng đối tác để học hỏi kinh nghiệm. Cần có giải pháp hỗ trợ chi phí xuất khẩu như giảm chi phí dịch vụ công, chi phí giám sát hay chi phí phi chính thức. Cần thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất phục hồi sau đại dịch và hỗ trợ cho các lô hàng qua Biển Đỏ có chi phí vận tải, bảo hiểm tăng đột biến. Hỗ trợ tài khoá như miễn giảm thuế trong trường hợp đặc biệt. Về dài hạn, cần tích cực, chủ động phát triển đội tàu vận tải quốc tế quy mô lớn của Việt Nam, phát triển dịch vụ logistics để tăng sức chống chịu cho doanh nghiệp trong những tình huống bất định.
Trở lại câu chuyện xuất khẩu trong nước, năm 2023 có thể nói là dị thường với kim ngạch xuất khẩu khi đây là lần thứ hai trong gần 40 năm đổi mới, xuất khẩu mới lại chứng kiến mức tăng trưởng âm. Chuyên gia nhìn nhận câu chuyện này ra sao?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng âm của năm 2023 cho thấy thực tế khác cơ bản so với các kịch bản được xây dựng. Tính bất định, khó lường của thị trường xuất khẩu có thể hiện hữu ngoài mong đợi. Việc dự báo biến động thị trường chưa bảo đảm độ tin cậy nhất định và phản ứng với thị trường xuất khẩu suy giảm chưa gắn với cơ chế dự phòng rủi ro hợp lý.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng |
Mặt khác, cơ cấu hàng xuất khẩu gần như bị chậm một nhịp so với những yêu cầu tiêu chuẩn hàng xuất khẩu gắn với xu hướng chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, cam kết carbon thấp, sản phẩm hữu cơ, cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Cũng phải kể đến việc hiện đang diễn ra sự cạnh tranh xuất khẩu gay gắt và khả năng học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau rất lớn trong thời gian ngắn cho nên chu kỳ sản phẩm bị rút ngắn, quá trình thay thế sản phẩm diễn ra quyết liệt bởi tiến bộ công nghệ. Thêm vào đó là chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát của các nước, xung đột vũ trang lan rộng gây khó khăn cho xuất khẩu. Cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam bộc lộ yếu tố thiếu bền vững và phụ thuộc đáng kể vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Tăng trưởng xuất khẩu âm là chỉ báo để đánh giá lại toàn diện mô hình xuất khẩu Việt Nam cả từ chiến lược, chính sách, cơ chế và doanh nghiệp. Đây là điểm hạn chế cần phân tích sâu sắc để có giải pháp hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo. “Cái khó sẽ ló cái khôn” và những điểm hạn chế này sẽ là cơ hội để có những phương thức mới nhằm khai thác tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn.
Hiện nhiều thị trường chưa được khai thác thoả đáng bên cạnh thị trường có sẵn như thị trưòng sản phẩm tiêu chuẩn Halal với 1,9 tỷ người tiêu dùng trên toàn thế giới. Chỉ tính riêng trong ASEAN, người tiêu dùng theo tiêu chuẩn Halal cũng khoảng gần 300 triệu người hầu như được khai thác hạn chế. Nguồn sản phẩm OCOP trên 1 vạn sản phẩm tiêu chuẩn 3 sao trở lên cũng chưa được khai thác phục vụ xuất khẩu. Cơ hội thị trường xuất khẩu nông sản giá cao, sản lượng lớn vẫn đang hiện hữu… Đó là nguồn tiềm năng và động lực cần khai thác. Nguồn du khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng tăng nhanh cũng là nguồn lực mang lại nhiều giá trị khẩu tại chỗ.
Trong những bối cảnh như trên, xuất khẩu năm 2024 cần chú ý những gì thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Năm 2024 sẽ có nhiều điểm quan trọng trong xuất khẩu.
Thứ nhất, tiêu chuẩn xanh hoá và giảm phát thải ròng, carbon thấp, sản phẩm hữu cơ, kinh tế tuần hoàn sẽ trở thành yêu cầu chính của tiêu chuẩn hàng hoá xuất khẩu và điều này trong chính sách các nước đã áp dụng từng phần đến phổ biến. Các quy định này làm tăng chi phí tuân thủ và doanh nghiệp xuất khẩu cần có phương án đáp ứng nhằm khai thác cơ hội thị trường theo hướng mới. Cạnh tranh trên các phân đoạn thị truòng này sẽ không kém phần gay gắt. Việc xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế của Việt Nam như dệt may, nông sản… cần đặc biệt tuân thủ những yêu cầu này. Yêu cầu sản phẩm xanh, sạch, ngon, đẹp sẽ chi phối đáng kể xu hướng nhập khẩu và chính sách thương mại sẽ định hướng trực tiếp cho chính sách công nghiệp để tạo sức cộng hưởng lớn nhất, tạo căn cứ để phát huy chính sách tài khoá - tiền tệ phục vụ gia tăng xuất khẩu.
Tích cực, chủ động phát triển đội tàu vận tải quốc tế quy mô lớn, phát triển dịch vụ logistics để tăng sức chống chịu cho doanh nghiệp trong những tình huống bất định. Ảnh minh hoạ. |
Thứ hai, xuất khẩu hàng công nghiệp và nhu cầu tiêu dùng hàng công nghiệp sẽ gắn với yêu cầu quyết liệt về chuyển đổi năng lượng theo hướng tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, năng lượng mới, giảm năng lượng truyền thống. Nhiều tiến bộ công nghệ được phát triển và thương mại hoá sẽ làm thay đổi bức tranh thương mại, nhất là tăng quy mô và thay đổi cơ cấu.
Liên quan đến khía cạnh này có vai trò của thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong thương mại tạo sức bật tiếp cho thương mại. Các nền tảng thương mại điện tử sẽ được khai thác tối đa. Tiếp theo, cơ hội thị trường sẽ có trạng thái mới với chuỗi cung ứng được kết nối để tránh gián đoạn nguồn hàng của các nước. Thị trường sản phẩm Halal được nhiều nước khai thác cũng như mô hình tiếp cận sẽ hiệu quả hơn. Thêm nữa, rủi ro xuất khẩu còn lớn khi xung đột vẫn còn khả năng lan rộng, tính chia cắt thế giới có thể chưa kết thúc và gây bất lợi cho xuất khẩu làm chi phi tăng.
Xin cảm ơn ông!