Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 23/11/2024 10:00
Tin nóng:
Giá cà phê giữ ở mức cao do căng thẳng gia tăng trên Biển Đỏ Giá cà phê phụ thuộc lớn vào căng thẳng trên Biển Đỏ Áp lực chưa hết, giá cà phê Arabica sắp tới ra sao? |
Nhiều cơ quan, hiệp hội, ngành hàng... đã vào cuộc nhằm hỗ trợ vận chuyển hàng hóa container đi châu Âu, châu Mỹ và hạn chế tác động của tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Cước vận tải biển tăng vọt
Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 1/2024, giá cước vận chuyển đi Mỹ, EU và một số quốc gia khác điều chỉnh tăng mạnh so với tháng 12/2023. Cụ thể, với hành trình đi bờ Tây (Mỹ), giá cước tăng từ 1.850 USD/container lên 2.873-2.950 USD/container (phụ thuộc vào hành trình), tương đương tăng khoảng 55-60%. Tương tự, cước đi bờ Đông (Mỹ) cũng đã tăng thêm 1.400-1.750 USD/container, lên mức 4.100-4.500 USD/container, tăng lên khoảng 58-73%. Đối với cước vận chuyển đi thị trường EU, đặc biệt là đi Hamburg (Đức), trong tháng 1, giá cước đạt mức 4.350-4.450 USD/container, tăng gấp 3,5 lần so với tháng 12/2023.
Tăng cước vận chuyển đường biển, doanh nghiệp xuất khẩu đối diện nhiều khó khăn. Ảnh minh họa |
Theo ông Hoè, khoảng 80% lượng hàng hóa đi bờ Đông của Mỹ, Canada và EU phải thông qua kênh đào Suez. Tuy nhiên, do tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ, để vượt qua kênh đào Suez, nhiều tàu vận tải phải chọn hành trình vòng qua Mũi Hảo Vọng. Điều này dẫn đến việc kéo dài thời gian hành trình thêm 7-10 ngày, tăng chi phí phát sinh, bao gồm cả chi phí của vòng quay thêm của tàu.
Cước vận tải biển tăng vọt đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc của Vina T&T Group, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây đến nhiều quốc gia, cho biết tình trạng tăng giá cước và kéo dài thời gian vận chuyển hàng hóa đến Mỹ và châu Âu đang tạo ra áp lực lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Theo tính toán, cước phí vận tải biển trong thời gian qua tăng nhanh chóng từ 100 – 150% làm tăng chi phí logistics giá cả hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Không những thế, thời gian tàu đi qua Biển Đỏ cũng kéo dài hơn trước. Nếu như trước đây, hàng hóa đi Anh chỉ mất 35 ngày, giờ mất 60 ngày vì đi vòng qua Nam Phi.
Tổng Giám đốc của Vina T&T Group cho hay, đối với các loại trái cây có thời gian bảo quản lâu như bưởi và dừa (khoảng 65 ngày), doanh nghiệp vẫn tiếp tục sử dụng đường biển để xuất khẩu. Nhưng với những loại trái cây như thanh long, xoài, nhãn, thời gian bảo quản không lâu, phải chuyển qua vận chuyển bằng đường hàng không.
Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không chi phí cao, với mức giá gấp khoảng 10 lần so với đường biển. Trong khi chi phí vận chuyển qua đường biển chỉ là 0,4 USD/kg, thì đường hàng không có giá từ 4 - 5 USD/kg. Do đó, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xuất khẩu đơn hàng lớn, nhất là dịp cuối năm.
Tương tự, đại diện Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo, cho biết cũng đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động xuất khẩu. Trước đây, khi xuất khẩu gạo đến châu Âu, chi phí vận chuyển chỉ ở mức dưới 1.000 USD/container. Tuy nhiên, hiện nay, chi phí này đã tăng lên mức 3.000 - 4.000 USD/container, thậm chí cao hơn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chi phí xuất khẩu gạo của doanh nghiệp.
Chung tay gỡ khó cho xuất khẩu
Trong công văn mới gửi đến Cục Hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu ngành hàng hải thực hiện ngay các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trước tình trạng tăng giá dịch vụ container khi xuất khẩu đến châu Âu và châu Mỹ. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu ngành hàng hải đảm bảo hoạt động của hệ thống cảng biển trên toàn quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Cục Hàng hải đẩy nhanh quá trình làm thủ tục vào, ra cảng cùng việc xếp, dỡ hàng hóa đối với tàu vận chuyển xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng container đi châu Mỹ và châu Âu.
Đặc biệt, ngành hàng hải khẩn trương làm việc với hãng tàu có tuyến vận tải đi châu Mỹ, châu Âu để kêu gọi và thu hút các hãng tàu duy trì tuyến, bổ sung chỗ, vỏ container về Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa. Nghiên cứu cơ chế chính sách nhằm thu hút các hãng vận tải container mở tuyến mới đến Việt Nam.
Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội trong lĩnh vực logistics tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình đến các doanh nghiệp trong ngành nắm chắc thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác.
Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng.
Các doanh nghiệp tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng. Tìm hiểu về phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác nhau về phương thức giao hàng.
Các doanh nghiệp khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên có điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp. Cần mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này.
Chia sẻ với Báo Công Thương chiều 22/1, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay, trước thách thức từ tăng giá cước tàu biển do tình trạng mất an ninh tại khu vực Biển Đỏ, doanh nghiệp xuất khẩu có thể thực hiện một số biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng và duy trì hoạt động xuất khẩu hiệu quả như: Chủ động phương án xuất khẩu, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất logistics, đàm phán lại hợp đồng với các đối tác… và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề.
“Doanh nghiệp nên xem xét việc mở rộng thị trường xuất khẩu đến các khu vực có chi phí vận chuyển hợp lý hơn và ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất an ninh tại khu vực Biển Đỏ. Bên cạnh đó, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, quản lý kho bãi để giảm thời gian, chi phí vận chuyển. Đồng thời, về lâu dài doanh nghiệp xuất khẩu có thể ký kết các hợp đồng dài hạn với các đối tác vận tải biển, giúp giữ cố định giá cước trong thời gian dài, giảm thiểu ảnh hưởng từ biến động giá cước ngắn hạn…”, ông Long khuyến nghị.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp cho hay, các biến động như thay đổi hành trình, tăng giá cước và thời gian vận chuyển kéo dài đều gây khó khăn cho ngành logistics và doanh nghiệp xuất khẩu. Trước tình hình này, việc thương thảo với các hãng tàu để đạt được mức tăng giá cước hợp lý là một bước quan trọng. Theo ông Hiệp, việc tìm kiếm cung đường vận chuyển khác an toàn hơn và có giá cạnh tranh là một chiến lược cần thiết. Ngoài ra, theo dõi đánh giá thường xuyên về tình hình an ninh khu vực, cũng như các yếu tố khác như lạm phát, có ý nghĩa quan trọng để doanh nghiệp có thể thích ứng linh hoạt và đưa ra các quyết định kịp thời trong môi trường biến động hiện nay. |