Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 14/12/2024 18:06
Tin nóng:
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, tại buổi thảo luận, bàn giải pháp phát triển kinh tế năm 2025, Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh kiến nghị tỉnh Thừa Thiên Huế có những chính sách hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp dệt may nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế, năm 2024 ngành công nghiệp trên địa bàn phát triển vượt bật và là động lực để kéo theo chuỗi phát triển công nghiệp các năm trước, đồng thời phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành chi tiêu cơ bản phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 – 2025.
Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế kiến nghị có những chính sách phát triển ngành dệt may, nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Về điểm nổi bật phát triển công nghiệp năm 2024, ông Thanh cho rằng hiện nay chúng ta không lệ thuộc bất kỳ ngành hàng nào mà lâu nay chúng ta lo lắng. Sản phẩm công nghiệp năm 2024 là sự đa dạng hoá, có những mặt hàng hiện nay tăng vượt bật; trong đó 3 lĩnh vực được đánh giá cao là chỉ số phát triển công nghiệp (IIP), đa dạng hoá sản phẩm và ổn định thị trường.
Về kiến nghị phát triển ngành công thương năm 2025, Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh đề xuất đẩy mạnh phát triển ngành dệt may. Theo ông Thanh, Thừa Thiên Huế là tỉnh có mũi nhọn là ngành dệt may. Thời gian qua Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế có họp với các Tập đoàn, doanh nghiệp dệt may và chúng ta đã xây dựng đề án. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất hiện nay là phát triển lĩnh vực này phải đảm bảo yếu tố môi trường.
Lý giải về việc này, ông Thanh cho biết thêm, về lĩnh vực này Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đã thống nhất là có cách làm, tức là làm cuốn chiếu, đảm bảo các chỉ tiêu theo quy chuẩn, quy định là được.
Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh cho biết thêm, hiện nay, các doanh nghiệp dệt may mong muốn đầu tư nhưng vẫn lo lắng về cách làm và chính sách hỗ trợ như thế nào tại Thừa Thiên Huế. Để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực này, đồng thời tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm đề nghị các Sở, ngành liên tham mưu UBND tỉnh có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao giá trị sản xuất trong lĩnh vực này.
“Nếu dệt may mà có mũi nhọn sản xuất ra vải nữa thì giá trị phát triển công nghiệp sẽ tăng cao. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp dệt may rất lớn, tiềm lực nhưng để thu hút doanh nghiệp thì cần có sự hỗ trợ của nhà nước”, ông Thanh kiến nghị.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế làm với Tổng Giám đốc điều hành cấp cao Tập đoàn Fast Retailing. Ảnh: Hiếu Minh |
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn cho biết, về vấn đề nhuộm, cách đây 5 năm Tập đoàn dệt may đã có đặt vấn đề và tỉnh rất là cân nhắc, vì Thừa Thiên Huế đang phát triển theo hướng đô thị sinh thái, đô thị môi trường…, đương nhiên nếu có nhuộm thì sẽ phát triển ngành dệt may toàn diện, có giá trị hơn. Lĩnh vực này thường gây ô nhiễm môi trường nên vấn đề xử lý hệ thống nước thải như thế nào... Với những kiến nghị của Ngành công thương, Lãnh đạo tỉnh, các sở ngành ghi nhận vấn đề này.
Liên quan đến phát triển công nghiệp dệt may, ngày 12/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã có buổi tiếp và làm việc với Ông Koyama Noriaki - Tổng Giám đốc điều hành cấp cao Tập đoàn Fast Retailing (UNIQLO).
Ông Koyama Noriaki cho biết, Tập đoàn UNIQLO là một thương hiệu quốc tế nổi tiếng có từ năm 1963, đến nay, sau hơn 60 năm thành lập, UNIQLO đã có mặt tại gần 30 quốc gia trên thế giới với tổng số cửa hàng lên tới hơn 2.400. Các cửa hàng của UNIQLO chủ yếu kinh doanh các mặt hàng quần áo thời trang may sẵn, bao gồm cả quần áo lót, quần áo thể thao…giày dép, các phụ kiện thời trang may mặc đã hoàn chỉnh như găng tay, tất chân, cà vạt, các loại băng đô, kẹp, lược, trâm cài tóc và loại tương tự, cặp uốn tóc, kẹp uốn tóc, lô cuốn và loại tương tự. Tập đoàn cũng đã lên kế hoạch mở rộng thị trường Bắc Mỹ bằng cách mở cửa hàng ở New York. Theo đó, cửa hàng của thương hiệu sẽ là nơi bày bán dòng quần áo và phụ kiện thời trang đặc biệt dành cho cả nam và nữ.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tháng 10/2024, UNIQLO nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ ở Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế với diện tích bán hàng là 1.532,5 m2. Cơ sở bán lẻ của Công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm dệt may, quần áo may sẵn, giày dép, và các phụ kiện thời trang khác mang nhãn hiệu UNIQLO và các nhãn hiệu khác của Nhà đầu tư là Tập đoàn Fast Retailing (Singapore) Pte. Ltd. và Tập đoàn Mitsubishi Corporation. Ông Koyama Noriaki mong muốn lãnh đạo tỉnh hỗ trợ, quan tâm, tạo điều kiện để Công ty mở rộng phát triển, tạo thương hiệu UNIQLO và các nhãn hiệu khác góp phần cho nhu cầu mua sắm của người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnhThừa Thiên Huế Phan Quý Phương mong muốn Tập đoàn Fast Retailing hợp tác phát triển ngành Dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực về xuất khẩu và đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh trên cơ sở phù hợp với chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương hy vọng Tập đoàn Fast Retailing tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ dệt may để phục vụ, đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh và khu vực miền Trung; phát triển lĩnh vực may mặc từ mô hình CMT (gia công may mặc) hiện nay sang mô hình sản xuất ODM (từ thiết kế đến gia công), đẩy mạnh khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh sản phẩm. Hình thành và phát triển ngành công nghiệp thời trang. Đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết hoàn thiện sản phẩm may mặc để thụ hưởng các chính sách xuất nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do, với điều kiện có quy mô đầu tư phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và cảnh quan.