Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 26/04/2025 19:03
Tin nóng:
Thị trường đường toàn cầu biến động mạnh
Những tháng đầu năm 2025, thị trường đường thế giới trải qua nhiều biến động khi nguồn cung tại các quốc gia sản xuất lớn như Ấn Độ, Thái Lan và Brazil gặp khó khăn. Theo Tổ chức Đường Thế giới (ISO), 2 tháng đầu năm 2025, sản lượng đường mía của Ấn Độ đã giảm 12% so với cùng kỳ năm trước do hạn hán nghiêm trọng tại khu vực sản xuất trọng điểm Maharashtra và Karnataka.
![]() |
Sản lượng đường Ấn Độ giảm 12% vào 2 tháng đầu năm do hạn hán nghiêm trọng ở Maharashtra và Karnataka. Ảnh: The Financial Express |
Tương tự, tại Brazil – quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới – tình trạng lượng mưa dưới mức trung bình đã làm chậm quá trình phát triển của cây mía, dự báo sẽ ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch trong thời gian tới.
Sự suy giảm nguồn cung từ các quốc gia này đã đẩy giá đường thế giới tiếp tục xu hướng tăng. Thống kê của ISO cho thấy, giá đường bình quân toàn cầu trong tháng 2/2025 đạt 530,71 USD/tấn, cao hơn so với mức 496,37 USD/tấn của tháng 1. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá không duy trì được lâu.
Trong bối cảnh giá đường thế giới vẫn ở mức cao, đáng chú ý là diễn biến “ngược chiều” của thị trường Việt Nam. Trong khi giá đường toàn cầu có xu hướng tăng, giá đường nội địa lại giảm sâu, phản ánh những thách thức lớn của ngành sản xuất trong nước.
Ngành mía đường Việt Nam: Cung vượt cầu, giá giảm sâu
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đến đầu tháng 3/2025, giá đường sản xuất từ mía trong nước giảm trung bình 1.600 đồng/kg so với đầu tháng 2/2025, phản ánh tình trạng cung vượt cầu. Số liệu của VSSA cho thấy, các nhà máy đường trong nước đã ép được 5,08 triệu tấn mía, sản xuất khoảng 476.000 tấn đường các loại trong giai đoạn đầu năm 2025. Một số nhà máy đã phải dừng ép sớm do nguồn nguyên liệu cạn kiệt, song lượng đường tồn kho từ vụ trước vẫn còn lớn, tạo áp lực lên thị trường.
Đáng chú ý, đường lỏng siro ngô (HFCS) đang chiếm thị phần ngày càng lớn nhờ giá thành thấp hơn. Theo số liệu từ Cục Hải quan - Bộ Tài chính, trong tháng 2/2025, lượng HFCS nhập khẩu vào Việt Nam đạt 43.557 tấn, tăng so với 40.334 tấn cùng kỳ năm trước. Việc các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống ưu tiên sử dụng HFCS thay cho đường mía đang tạo thêm áp lực lên ngành sản xuất nội địa.
![]() |
Giá đường nội địa giảm trung bình 1.600 đồng/kg, trong khi giá đường thế giới vẫn ở mức cao. Ảnh: Việt Hà |
Không chỉ đối mặt với HFCS, ngành đường trong nước còn chịu tác động mạnh từ đường nhập khẩu trong khu vực ASEAN. Theo cam kết của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất nhập khẩu đường từ các nước ASEAN vào Việt Nam hiện chỉ còn 5%, tạo điều kiện để đường Thái Lan với chi phí sản xuất thấp hơn tiếp tục mở rộng thị phần tại Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Vụ trưởng, Trưởng phòng Kinh tế Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội nhận định: "Những tháng đầu năm 2025, ngành đường Việt Nam đang chịu áp lực kép từ nguồn cung dư thừa trong nước và sự cạnh tranh gay gắt của đường nhập khẩu".
Mặc dù giá đường thế giới có xu hướng tăng do sản lượng sụt giảm tại các quốc gia sản xuất lớn như Ấn Độ, Thái Lan và Brazil, thị trường trong nước lại diễn biến theo chiều hướng ngược lại. Theo chuyên gia, giá đường nội địa giảm sâu do sức mua yếu và tình trạng tồn kho cao, cho thấy những thách thức mà ngành phải đối mặt không chỉ nằm ở bài toán sản xuất, mà còn ở chiến lược tiêu thụ và năng lực cạnh tranh.
Ông Nguyễn Minh Phong cho biết, diễn biến của thị trường đường mía Việt Nam không chỉ bị chi phối bởi cung - cầu nội địa mà còn chịu tác động từ các yếu tố vĩ mô toàn cầu. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, áp lực từ các cam kết thương mại và biến động giá cả quốc tế, ngành đường cần có những bước đi phù hợp để đảm bảo ổn định và phát triển bền vững.
Giải pháp nào cho ngành mía đường?
Bên cạnh những khó khăn từ nguồn cung dư thừa và sự cạnh tranh của đường nhập khẩu chính ngạch, ngành đường Việt Nam còn đối mặt với tình trạng đường nhập lậu hoành hành. Dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, nhưng đường nhập lậu vẫn len lỏi vào thị trường qua nhiều con đường khác nhau, đặc biệt tại khu vực biên giới Tây Nam.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Một trong số đó là tiếp tục áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan. Đồng thời, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng đang được đẩy mạnh nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu đường qua biên giới.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ThS. Phùng Thị Vân Kiều, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Thương mại, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho biết, ngoài các biện pháp hành chính, ngành đường Việt Nam cần có chiến lược dài hạn để nâng cao năng lực cạnh tranh. Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh xuất khẩu đường, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA và RCEP để mở rộng thị trường.
Bà Phùng Thị Vân Kiều kiến nghị, các doanh nghiệp sản xuất đường cần đầu tư mạnh vào công nghệ chế biến hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe. Bên cạnh đó, việc chủ động tham gia các hội chợ, triển lãm và các chương trình xúc tiến thương mại quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới đối tác, đặc biệt tại các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc.
“Chính sách ưu đãi xuất khẩu kèm theo các biện pháp hỗ trợ tài chính từ Nhà nước, như các gói vay ưu đãi và trợ giá, sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí và kích thích đầu tư vào ngành”, ThS. Phùng Thị Vân Kiều nhấn mạnh.
Ở thị trường nội địa, theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để ngành đường phát triển bền vững, cần tập trung vào ba trụ cột chính: liên kết chuỗi giá trị, đầu tư công nghệ và mở rộng tiêu thụ trong nước.
Theo ông, việc thiết lập mô hình hợp tác bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến là điều kiện tiên quyết để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định với chi phí hợp lý. “Nếu không có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi sản xuất, ngành đường sẽ luôn đối diện với tình trạng nguồn cung bấp bênh và giá thành cao, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh”, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ tiên tiến vào sản xuất mía đường không chỉ giúp tăng năng suất mà còn nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào, từ đó giảm giá thành sản xuất.
Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Minh Phong, giải pháp quan trọng không kém là thúc đẩy tiêu dùng đường nội địa thông qua hệ thống phân phối hiện đại và xây dựng thương hiệu mạnh. “Doanh nghiệp cần đầu tư vào marketing, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng đường trong nước, thay vì để thị trường bị chi phối bởi đường nhập khẩu”, ông Nguyễn Minh Phong phân tích.
Đồng thời, chính sách thuế và hàng rào kỹ thuật phù hợp cũng cần được triển khai đồng bộ để hạn chế tình trạng đường nhập lậu, bảo vệ sản xuất trong nước. TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, ngành đường Việt Nam không chỉ củng cố vị thế trong nước mà còn tạo tiền đề vững chắc để mở rộng xuất khẩu trong tương lai.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đến cuối tháng 2/2025, các nhà máy đường trong nước đã sản xuất được 476.000 tấn đường từ tổng sản lượng mía ép đạt 5,08 triệu tấn. Dù một số nhà máy đã phải dừng ép sớm do nguồn nguyên liệu cạn kiệt, lượng đường tồn kho từ vụ trước vẫn còn lớn, tạo áp lực lên thị trường. Trong bối cảnh nguồn cung dồi dào nhưng sức mua chững lại sau Tết Nguyên đán, giá đường nội địa đã giảm trung bình 1.600 đồng/kg so với đầu tháng 2/2025. Đặc biệt, đường trắng RS hiện chỉ dao động quanh mức 16.200 – 17.500 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá đường thế giới đang duy trì trên 530 USD/tấn. |