Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 20/11/2024 19:25
Tin nóng:
Đà Nẵng: Trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp dệt may về hệ sinh thái tận dụng FTA thế hệ mới Quảng Nam: Xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA trong lĩnh vực thủy sản |
‘Giải bài toán’ nguyên, phụ liệu dệt may
Tại tọa đàm trao đổi trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp dệt may về hệ sinh thái tận dụng FTA thế hệ mới trong lĩnh vực dệt may do Vụ Chính sách thương mại đa biên phối hợp với Sở Công Thương TP. Đà Nẵng tổ chức mới đây, bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, hiện kim ngạch xuất khẩu dệt may chiếm 25 – 26% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định EVFTA, UKVFTA, CPTPP chưa nhiều.
Các doanh nghiệp dệt may Đà Nẵng, Quảng Nam bày tỏ sẵn sàng tham gia hệ sinh thái tận dụng FTA để tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ các FTA mang lại |
Theo đại diện các doanh nghiệp dệt may Đà Nẵng, Quảng Nam, một trong những khó khăn để hưởng ưu đãi từ các FTA thế hệ mới là đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ. Trong khi đó, phần lớn nguyên phụ liệu dệt may của doanh nghiệp may hiện đều nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, với việc hình thành hệ sinh thái tận dụng FTA, các doanh nghiệp dệt may mong muốn sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn này.
“Hiện nay, Hòa Thọ xuất hàng đi EU, vấn đề đáp ứng được tiêu chí nguồn gốc xuất xứ để hưởng ưu đãi của Hiệp định EVFTA rất khó. Chúng tôi kỳ vọng hệ sinh thái tận dụng FTA sẽ góp phần xóa bỏ các rào cản về khó khăn nguồn cung nguyên, phụ liệu để đáp ứng được các tiêu chí về xuất xứ hàng hóa”, ông Huỳnh Ngọc Anh Khoa – Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ chia sẻ và khẳng định, tổng công ty hoàn toàn ủng hộ viện hình thành, xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA.
Công ty TNHH Fashion Garments (tỉnh Quảng Nam) chuyên xuất khẩu các sản phẩm may mặc qua thị trường Hoa Kỳ, EU, tổng doanh thu hàng năm khoảng 10.000 tỷ đồng. “Công ty Fashion Garments tham gia hệ sinh thái tận dụng FTA với mong muốn tìm chuỗi doanh nghiệp cung ứng có xuất xứ Việt Nam. Chúng tôi mong muốn hệ sinh thái sẽ là nơi thẩm định chất lượng của doanh nghiệp đầu vào để giúp doanh nghiệp may có thể tìm kiếm đối tác”, bà Huỳnh Thị Ly Ly – Giám đốc tài chính công ty nói và đề xuất, trong hệ sinh thái sẽ hình thành được cơ sở dữ liệu để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI như Fashion Garments có thể tham khảo, chủ động kết nối trong cung ứng chuỗi nguyên phụ liệu dệt may, kết nối với các doanh nghiệp hỗ trợ như logistics, máy móc thiết bị.
Còn bà Phạm Xuân Thủy – Phó Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thắng cho biết, công ty đã hoạt động được 19 năm và xuất khẩu chủ yếu sang EU, Anh. Công ty hiện đã tận dụng được các ưu đãi từ các Hiệp định EVFTA, UKVFTA. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện C/O hưởng thuế ưu đãi thì vẫn còn những có khăn nhất định liên quan đến nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu. Theo bà Thủy, hiện nguồn vải sản xuất tại Việt Nam có nhưng không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp may trong nước vì giá cả cao và chất lượng chưa đáp ứng. “Khi có hệ sinh thái tận dụng FTA, tôi kỳ vọng sẽ có giải pháp huy động được các nhà cung cấp vải Việt Nam tham gia vào chuỗi. Và phía Nhà nước có những chính sách tạo điều kiện để các nhà cung cấp vải hạ được giá thành, tăng chất lượng sản phẩm vải. Từ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nguyên phụ liệu sẽ giúp các doanh nghiệp may có thể tiếp cận được các nguồn nguyên phụ liệu trong nước, đáp ứng được các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ trong các FTA”, bà Thủy đề xuất.
Doanh nghiệp may kỳ vọng hệ sinh thái tận dụng FTA sẽ góp phần tháo 'nút thắt' nguyên phụ liệu dệt may, đáp ứng tiêu chí quy tắc xuất xứ trong các FTA (Ảnh: Hồ Quân) |
Khơi thông kết nối doanh nghiệp nguyên phụ liệu – doanh nghiệp may
Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, để tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ các FTA thế hệ mới, ngành dệt may cần giải quyết 5 nhóm khó khăn chính, gồm: Nguồn cung nguyên phụ liệu còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu; đơn hàng và thị trường chưa ổn định, chủ yếu là hàng gia công; thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; thiếu thông tin, chính sách của thị trường nhập khẩu; chưa xây dựng được thương hiệu. Trong đó, nguyên phụ liệu là vấn đề đã tồn tại từ lâu, là “nút thắt” của ngành dệt may.
Theo ông Ngô Chung Khanh, việc hình thành hệ sinh thái tận dụng FTA được kỳ vọng sẽ giải quyết được tổng thể, trong đó, có một phần vấn đề đề nguyên phụ liệu. Nhưng nhiều hơn là vấn đề kết nối. “Một trong những lợi ích của hệ sinh thái là tạo ra database. Hệ sinh thái tận dụng FTA được đề xuất có hệ thống kết nối cơ sở dữ liệu gồm danh sách các công ty trong các lĩnh vực khác nhau như logistics, tư vấn, tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp cung cấp nguyên phụ liệu…, từ đó, tạo ra sự kết nối, khơi thông mối quan hệ giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may; kết nối mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý”, ông Ngô Chung Khanh nói.
Liên quan đến nguyên phụ liệu, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng, thực trạng vấn đề vải của Việt Nam còn nhiều tồn tại đó là giá vải cao, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của một số doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, không phải trong tất cả các doanh nghiệp sản xuất vải, nguyên phụ liệu dệt may đều giá cao, kém chất lượng. Vẫn có những doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp dệt may trong nước. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp trong nước đang cần nhưng lại không tiếp cận được với những doanh nghiệp đang có. Khi Việt Nam chưa có ngành công nghiệp dệt đúng nghĩa thì hệ sinh thái tận dụng FTA sẽ giúp kết nối giữa các doanh nghiệp nguyên phụ liệu với doanh nghiệp may, kết nối các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý. Hệ sinh thái cũng sẽ thúc đẩy xử lý, khắc phục những tồn tại vốn có của ngành dệt may. “Chúng tôi kỳ vọng khi hệ sinh thái tận dụng FTA hoạt động được hiệu quả thì vấn đề về nguyên liệu của ngành dệt may có thể “bớt nóng” hơn và theo thời gian sẽ tốt hơn nhiều so với hiện nay”, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh nói.