Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 19:47
Tin nóng:
Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng kinh doanh phổ biến Việt Nam có tiềm năng trở thành chuỗi cung ứng mới nổi của thương mại điện tử toàn cầu |
Thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường eMaketer cho thấy, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử toàn cầu đạt 8,9% năm 2023, tăng lên 9,4% năm 2024. Đến năm 2026, mức tăng trưởng vẫn rất cao ở mức 8,1% năm và quy mô thị trường đạt 7.600 tỉ USD.
Xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới tiếp tục bùng nổ ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam |
Đáng chú ý, xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới tiếp tục bùng nổ ở các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ước tính doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam năm 2026 lên đến 11,1 tỉ USD. Thương mại điện tử B2C được dự báo sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam vào năm 2027.
Từ những kết quả đó, các doanh nghiệp Việt đã nhận thức rõ sự quan trọng của thương mại điện tử xuyên biên giới và nắm bắt khá nhanh nhạy với xu hướng này, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo thống kê của Amazon công bố đầu năm 2024, trong vòng 12 tháng, tính đến hết tháng 8.2023, các đối tác bán hàng Việt Nam đã bán ra hơn 17 triệu sản phẩm trên Amazon, giá trị xuất khẩu tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Hay như Alibaba.com, trong năm 2023 khách hàng quốc tế hỏi về nhà bán hàng Việt Nam đã tăng thêm 36,7% so với năm 2022. Tức là trung bình cứ 3 ngày, doanh nghiệp Việt sẽ có thêm 1 khách hàng mới hỏi về các sản phẩm của họ trên Alibaba.com.
Để tăng cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam khi bước ra thế giới, chiều ngày 11/3, Alibaba.com đã ra mắt bộ công cụ số thông minh nhằm tăng cường hiệu suất xuất khẩu mang tên Smart Assistant. Bộ công cụ này đã được áp dụng tại nhiều thị trường khác và chứng minh hiệu quả, trước khi được nền tảng thương mại điện tử này mang sang Việt Nam.
Thông qua trợ lí thông minh này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tối ưu hoá danh sách sản phẩm, đề xuất tiêu đề, từ khoá, mô tả hàng hoá hấp dẫn hơn; hỗ trợ giao tiếp với khách hàng quốc tế, trả lời tin nhắn tự động, soạn thảo văn bản chuyên nghiệp. Đặc biệt nó cũng cung cấp thông tin thị trường chính xác và chuyên sâu, được tùy chỉnh cho từng ngành hàng cụ thể và dựa trên cơ sở dữ liệu phong phú…
Bà Lynn Xu, Giám đốc phát triển các sản phẩm thương mại của Alibaba.com nhấn mạnh, bộ công cụ này có thể giúp các doanh nghiệp giảm thiểu sự phụ thuộc vào dịch vụ của bên thứ ba và loại bỏ nhu cầu về phần mềm chuyên dụng. Các tính năng tự động và phân tích toàn diện của nó cho phép các doanh nghiệp nâng cao hoạt động, tăng tỉ lệ chuyển đổi và cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.
Cùng chung quan điểm, ông Ngô Trọng Nghĩa, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Neo Development JSC cho biết, với sự hỗ trợ của bộ công cụ này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để bán hàng xuyên biên giới.
“Smart Assistant có thể phân tích được thị trường, nhắm được khách hàng mục tiêu của các doanh nghiệp là gì, đồng thời củng cố niềm tin giữa người bán và người mua. Đó là điều rất quan trọng của thương mại điện tử xuyên biên giới”, ông Ngô Trọng Nghĩa nhấn mạnh.