Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 17:47
Tin nóng:
Tuy nhiên, dù mong muốn gia nhập các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc và rào cản. Trao đổi với báo chí, ông Eric Broussard, Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon, Khối Đối tác bán hàng quốc tế đánh giá, Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành một chuỗi cung ứng quan trọng trong thương mại điện tử toàn cầu.
Ông Eric Broussard, Phó Chủ tịch Tập đoàn Amazon, Khối Đối tác bán hàng quốc tế trao đổi với phóng viên. |
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về xu hướng phát triển của Thương mại điện tử bán lẻ toàn cầu? Xu hướng này tác động ra sao đến các quốc gia tham gia vào chuỗi bán hàng xuyên biên giới?
Theo tôi, hiện đang có hai xu hướng chính. Thứ nhất là sự chuyển dịch từ mô hình offline sang online. Xu hướng này đã diễn ra trong 20-30 năm trở lại đây nhưng đang ngày càng tăng tốc. Trong tương lai, những ưu thế của mua hàng online mang đến cho khách hàng như sự tiện lợi, đa dạng chọn lựa và giá cả hợp lý sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng chuyển dịch qua online này. Mặt khác, tỷ trọng thương mại điện so với tổng dung lượng bán lẻ toàn cầu còn khiêm tốn, cho thấy còn rất nhiều dư địa để các nhà bán hàng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, mở rộng hoạt động kinh doanh và tiếp cận nguồn khách hàng mới trên toàn cầu.
Thứ hai, sự toàn cầu hóa của các doanh nghiệp đang là một xu hướng rất đáng chú ý. Theo cách truyền thống, nếu có một ý tưởng hay sản phẩm tốt ở Việt Nam và muốn bán ở thị trường quốc tế, doanh nghiệp phải trao quyền kiểm soát sản phẩm, giá cả và chiến lược sản phẩm cho các bên trung gian. Tuy nhiên, trên sân chơi thương mại điện tử bán lẻ toàn cầu, ngay cả các doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ đều có thể chủ động xây dựng thương hiệu toàn cầu của riêng họ bằng cách tận dụng cơ sở hạ tầng được cung cấp bởi các bên như Amazon.
Trên Amazon, doanh nghiệp có thể tìm thấy nhiều sản phẩm thậm chí còn chưa được bày bán tại các cửa hàng trực tiếp. Để đáp ứng nhu cầu khổng lồ từ khách hàng trên khắp thế giới, các nhà bán hàng cần đầu tư vào phát triển sản phẩm, năng lực sản xuất, và quản lý chuỗi cung ứng nhằm nắm bắt cơ hội bán hàng toàn cầu. Các nhà sản xuất hay chủ thương hiệu đều có cơ hội tiếp cận khách hàng toàn cầu ngang nhau. Không chỉ xuất khẩu hàng hóa, mà còn là xây dựng và xuất khẩu thương hiệu toàn cầu. Những tác động mà thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại, thực sự tạo điều kiện và chuyển đổi hoạt động xuất khẩu theo cách mà mỗi doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, đều có thể xuất khẩu sản phẩm và xây dựng thương hiệu toàn cầu.
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Ông đánh giá ra sao về sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam?
Thương mại điện tử bán lẻ toàn cầu đang ngày càng mở ra nhiều cơ hội, và là một phong trào mới cho các nhà bán hàng từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt mức tương đương 91% GDP của Việt Nam trong năm 2022. Đây là một điều đáng kinh ngạc, khi thế giới đang chuyển dịch từ xuất khẩu truyền thống sang thương mại điện tử toàn cầu, hay từ xuất khẩu bán sỉ B2B sang xuất khẩu bán lẻ B2C, nơi chủ thương hiệu kiểm soát trực tiếp sản phẩm, chiến lược lựa chọn danh mục sản phẩm, chiến lược giá cũng như nhiều khía cạnh khác.
Tôi cho rằng thế mạnh của Việt Nam là kinh nghiệm và năng lực được bồi đắp qua nhiều năm của các doanh nghiệp đã và đang phục vụ khách hàng trên toàn thế giới. Ngoài ra, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế là một trung tâm sản xuất mới nổi của Châu Á và thế giới. Cùng với các chính sách hỗ trợ từ chính phủ và tốc độ chuyển đổi số mạnh mẽ, Việt Nam cho thấy tiềm năng tăng trưởng tích cực trên lĩnh vực xuất khẩu thương mại điện tử B2C.
Tôi nhìn thấy sự hứng khởi, nhiệt huyết và năng lượng từ các nhà bán hàng ở Việt Nam. Trong chuyến thăm lần này tới Việt Nam, tôi cũng cảm nhận được sự năng động và bền bỉ của thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam. Tôi tin rằng bất chấp các thách thức, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ vẫn tiếp tục phát triển và trở thành động lực phát triển mới cho Việt Nam.
Tôi cũng có dịp đến thăm nhà máy SUNHOUSE, một nhà sản xuất đã làm rất tốt việc xây dựng thương hiệu trong nước với đa dạng dải sản phẩm, và đang chuyển mình nhằm xây dựng các dòng sản phẩm phục vụ khách hàng toàn cầu. SUNHOUSE hay các nhà bán hàng khác là những ví dụ về sự đổi mới, tạo ra các sản phẩm mới và nắm bắt cơ hội xuất khẩu. Vì vậy, tôi cho rằng với thế mạnh xuất khẩu, chuyển đổi sang xuất khẩu bán lẻ B2C là cơ hội và nguồn lực mà Việt Nam nên nắm bắt.
Dù mong muốn gia nhập các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc và rào cản. Amazon đầu tư ra sao để thúc đẩy tốc độ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam, và xây dựng thương hiệu toàn cầu cho nhà bán hàng Việt Nam, thưa ông?
Amazon nỗ lực phục vụ khách hàng và doanh nghiệp trên toàn thế giới, đóng góp vào nền kinh tế địa phương và tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với mỗi quốc gia. Chúng tôi liên tục giới thiệu các công cụ, chương trình và dịch vụ mới, cải tiến hơn, và mới đây là Trung tâm Đào tạo Amazon Day-1 đầu tiên tại Việt Nam nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp Việt còn bỡ ngỡ với Amazon có thể khám phá tất cả các dịch vụ và tính năng sẵn có, từ đó xây dựng thương hiệu và tiếp cận khách hàng toàn cầu.
Trên toàn cầu, Amazon đã đầu tư hàng tỷ đô la vào con người, nguồn lực và dịch vụ để hỗ trợ doanh nhân và doanh nghiệp trong mọi giai đoạn trên hành trình khởi nghiệp, đảm bảo rằng ngay cả doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng có thể trực tiếp bán sản phẩm sang châu u, châu Mỹ từ Việt Nam. Amazon đã đầu tư xây dựng hơn 400 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên toàn thế giới, và các nhà bán hàng Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng nguồn lực này.
Với dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA), khi sản phẩm được đưa vào trung tâm xử lý đơn hàng, khách hàng Prime có thể đặt hàng và nhận hàng trong vòng 2 ngày hoặc thậm chí là chỉ trong ngày tiếp theo, hoàn toàn miễn phí, không quan trọng sản phẩm nào, từ nhà bán hàng quy mô ra sao hay từ quốc gia nào. Người bán hàng hoàn toàn có thể kiểm soát từ xa từ sản phẩm cần đăng bán, giá bán, chương trình khuyến mãi, đến xây dựng thương hiệu như thế nào và nhiều hơn thế nữa. Nếu không có các nguồn lực hỗ trợ như FBA, sẽ rất khó để một doanh nghiệp ở Việt Nam có thể tiếp cận hàng trăm triệu khách hàng và vận chuyển sản phẩm nhanh chóng, cũng như giao tiếp bằng ngoại ngữ tại các thị trường quốc tế như Hoa Kỳ.
Những hỗ trợ này tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với các nhà bán hàng tại các thị trường khác, mang đến nhiều sự lựa chọn và giá trị cho khách hàng. Tất cả tạo nên bệ phóng, thúc đẩy “bánh đà” làm hài lòng khách hàng, giúp doanh nghiệp kinh doanh thành công, và mở khoá cho nhiều cơ hội khác trong tương lai.
Amazon muốn tăng tốc đưa Việt Nam trở thành mắt xích mới nổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi chiến lược của chúng tôi là luôn hướng tới khách hàng bằng cách mang đến nhiều sự lựa chọn sản phẩm nhất cho họ. Càng nhiều lựa chọn, khách hàng càng có nhiều sự cân nhắc, và từ đó, họ càng được hưởng nhiều lợi ích hơn. Việt Nam sẽ góp phần mang đến sự lựa chọn đa dạng hơn cho hàng trăm triệu khách hàng của Amazon trên toàn cầu.
Cùng vơi đó, Việt Nam đang dần khẳng định vai trò là một trung tâm sản xuất mới nổi quan trọng tại châu Á và trên thế giới, với năng lực sản xuất và cung ứng đa dạng danh mục sản phẩm từ nội thất, điện tử, dệt may, hàng tiêu dùng. Amazon có sẵn hàng trăm triệu khách hàng trên toàn cầu, và Việt Nam có khả năng sản xuất đa dạng sản phẩm với chất lượng tuyệt vời, sáng tạo, cạnh tranh. Các sản phẩm như ống hút thân thiện môi trường, túi nhựa tái chế đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các thị trường phát triển như Hoa Kỳ và trên toàn cầu.
Các nhà bán hàng Việt Nam có tinh thần kinh doanh mạnh mẽ. Lần đầu tiên tới Việt Nam, tôi đã rất ấn tượng với nguồn năng lượng, sự hứng khởi và quan tâm từ những nhà bán hàng Việt Nam. Điều này cho thấy sự sẵn sàng của họ để tham gia vào các cơ hội mới, ở quy mô lớn hơn và thâm nhập mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
Sự hợp tác thành công giữa Amazon và các nhà bán hàng trên toàn cầu mang đến cho hàng trăm triệu khách hàng với đa dạng lựa chọn sản phẩm, giá tốt và giao hàng tiện lợi. Các nhà bán hàng Việt Nam đã và đang tăng cường sự hiện diện của họ trên toàn cầu thông qua Amazon, và thành công trong việc chinh phục khách hàng quốc tế. Năm 2023, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMB) Việt Nam bán ra hơn 17 triệu sản phẩm trên Amazon, mang đến cho khách hàng trên khắp thế giới những sản phẩm Made-in-Vietnam độc đáo, từ hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí nhà cửa, đồ nội thất, hạt điều hữu cơ đến đa dạng các sản phẩm có yếu tố bền vững.
Chúng tôi tin rằng Việt Nam, với sức mạnh sản xuất, tinh thần khởi nghiệp, và sự chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng, có thể trở thành một chuỗi cung ứng quan trọng trong thương mại điện tử toàn cầu. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn tạo động lực hỗ trợ Việt Nam trở thành một mắt xích mới nổi trong chuỗi cung ứng thương mại điện tử toàn cầu.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân: Thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn, tạo đà cho kinh tế phát triển. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng theo số liệu khảo sát thống kê của Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 20% trong năm 2022. Có thể thấy trong suốt những năm qua Thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng từ 16-30% và dự kiến sẽ đạt 20,5 tỷ đô trong năm 2023. Năm 2023 và các năm tiếp theo với đà tăng trưởng mạnh mẽ như vậy, thị trường Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và tạo bước đà cho kinh tế phát triển. Đây cũng chính là thời điểm nước ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới. Từ đó, giúp khôi phục doanh nghiệp, mở rộng thị trường sau tình trạng khó khăn đã vượt qua. |