Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 18:45
Tin nóng:
Kết nối giao thương giữa tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh thành phố Hà Nội: Quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP, thúc đẩy du lịch |
Xuất khẩu sản phẩm OCOP thu về hàng tỷ USD
Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng; các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực nhằm đưa sản phẩm OCOP sang các thị trường khó tính. Đây là hướng đi đúng đắn, giúp Thanh Hóa phát triển mạnh các sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn và miền núi.
Nem chua - sản phẩm OCOP đặc trưng của xứ Thanh đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Ảnh Hoàng Minh. |
Theo số liệu của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Thanh Hóa, sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 508 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Với kết quả này, Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương có số lượng sản phẩm được công nhận nhiều nhất tại khu vực miền Trung và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Các huyện có số lượng sản phẩm OCOP nhiều như: Huyện Thọ Xuân 38 sản phẩm, Nga Sơn 37 sản phẩm, Hoằng Hoá 35 sản phẩm, Yên Định 31 sản phẩm... Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2024, tỉnh Thanh Hoá phấn đấu có thêm 120 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 13 sản phẩm 4 sao, còn lại là 3 sao.
Có thể nói, thành công trong phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền và các chủ thể OCOP. Đặc biệt là Thanh Hóa đã chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm OCOP, nhằm thực hiện hướng đi táo bạo là đưa các sản phẩm OCOP xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Các sản phẩm mắm của Lê Gia - sản phẩm OCOP 5 đã xuất khẩu sang khác thị trường khó tình như: Nga, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nam Phi. Ảnh: Hoàng Minh. |
Chia sẻ với Báo Công Thương, ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, tỉnh có 23 sản phẩm OCOP xuất khẩu đến các thị trường khó tính, như: Mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nam Phi; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty Việt Anh xuất khẩu trực tiếp và bán tại các siêu thị ở Hoa Kỳ; sản phẩm từ tre của Công ty TNHH sản xuất và thương mại BambooVina đã xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Đức, Mỹ; dứa, ngô ngọt đóng hộp của Công ty CP chế biến nông sản Trung Thành và Công ty TNHH Tư Thành, đã xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Australia… Giá trị xuất khẩu ước đạt 6 tỷ USD/năm 2023, năm 2024 dự kiến đạt 8 tỷ USD.
Nói về thành quả của tỉnh Thanh Hóa trong việc đưa các sản phẩm OCOP xuất ngoại sang các thị trường khó tính, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa Bùi Công Anh cho biết: Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, hàng năm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP gắn với nội dung cụ thể, phân công trách nhiệm cho từng thành viên có liên quan. Từ kế hoạch của UBND tỉnh, các địa phương cũng đã ban hành kế hoạch, kiện toàn bộ máy tham mưu, tổ chức thực hiện Chương trình theo quy định của Trung ương.
Khắc phục những hạn chế, bất cập trong phát triển OCOP để đưa sản phẩm vươn xa hơn nữa
Với kết quả 508 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, đến nay, tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những địa phương có số lượng sản phẩm được công nhận nhiều nhất tại khu vực miền Trung và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, tỉnh này cũng đã nhìn ra một số bất cập trong quá trình triển khai sản phẩm OCOP và đang nỗ lực để khắc phục.
Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 508 sản phẩm OCOP được công nhận. Ảnh: Hoàng Minh. |
Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, việc phát triển sản phẩm OCOP ở tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, phần lớn hộ sản xuất, kinh doanh đăng ký tham gia Chương trình OCOP có năng lực sản xuất nhỏ lẻ, trình độ và kiến thức quản trị hạn chế, khó thích ứng với cơ chế thị trường. Đáng chú ý, nhiều chủ thể OCOP chưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào quá trình sản xuất, chủ yếu là sản xuất bán thủ công và thủ công.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ quan chức năng; các địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức, phối hợp tham gia nhiều hội nghị quảng bá để các sản phẩm OCOP có thêm cơ hội kết nối, giao lưu với đối tác tiềm năng. Từ đó, không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới thiết kế, bao bì, xây dựng nhãn mác hàng hóa... mà còn tìm kiếm được các đơn vị tiêu thụ sản phẩm uy tín tại thị trường trong nước và nước ngoài. Đây cũng là quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa trong việc xuất khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm OCOP sang các thị trường mới khó tính trong thời gian tới.
Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và chuyển đổi số
Ngoài việc nâng cao chất lượng, mẫu mã cho sản phẩm OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại giúp sản phẩm OCOP tiếp cận với người tiêu dùng. Nhiều đợt xúc tiến, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các siêu thị trong tỉnh và ngoài tỉnh đã được tỉnh Thanh Hóa triển khai. Định kỳ hàng năm, tỉnh Thanh Hóa còn tổ chức các gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch tại nhiều địa phương trong tỉnh; phát triển các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; biên tập và phát hành cuốn catalogue và cuốn Bản tin sản xuất, thị trường và tiêu thụ sản phẩm OCOP để giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh.
Hiện tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP nhiều nhất tại khu vực miền Trung và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Ảnh: Hoàng Minh. |
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông sản phẩm OCOP, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị; các chủ thể OCOP ngày càng hoàn thiện nâng cao chất lượng được người tiêu dùng tin dùng; đáp ứng được tiêu chí của các siêu thị, nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Năm 2024, tiếp tục quan tâm đào tạo, tập huấn và hỗ trợ xây dựng video, xây dựng thương hiệu để các chủ thể OCOP quảng bá trên nền tảng kỹ thuật số và mạng xã hội.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Bùi Công Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các sản phẩm OCOP trên các báo, đài trung ương và địa phương; trên các trang thông tin điện tử, website và trên các trang mạng xã hội; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tư vấn, chủ thể OCOP về quan điểm, mục tiêu, nội dung của Chương trình OCOP. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ; triển khai hiệu quả Kế hoạch Chương trình OCOP năm 2024. Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông, và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP.
Lê Gia là một trong 24 chủ thể (là một trong 42 sản phẩm) có sản phẩm OCOP 5 sao Quốc Gia và chủ thể duy nhất OCOP 5 sao của tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra Lê Gia còn có 2 sản phẩm 4 sao (Mắm tép và nước mắm Lê Gia) và 1 sản phẩm 3 sao (Ruốc tôm sú Lê Gia). Ảnh: Lê Gia. |
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; phát huy hiệu quả các điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP; hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế. Kết nối các sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia xúc tiến thương mại quốc tế, mở rộng thị trường mới trên thế giới có tiềm năng” - Ông ông Bùi Công Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết.