Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 21:23
Tin nóng:
Doanh nhân Trần Việt Anh là ông trùm sản xuất bao bì nhựa hàng đầu Việt Nam Việt Nam là thị trường tiềm năng đối với ngành sản xuất bao bì thủy tinh của Séc |
Phát biểu tại Hội thảo “Xu hướng sử dụng bao bì bền vững và xuất khẩu nông sản” diễn ra gần đây do Trung tâm Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN - Nhật Bản phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức, ông Kunihiko Hirabayashi - Tổng Thư ký Trung tâm AJC cho biết, thị trường thực phẩm và đồ uống Nhật Bản ước tính trị giá hơn 60 nghìn tỷ yên (khoảng 410 tỷ đô la Mỹ). Với 30% dân số dự kiến sẽ trên 65 tuổi vào năm 2025, nhu cầu về các lựa chọn thực phẩm lành mạnh, tiện lợi đang gia tăng.
Sự phụ thuộc của Nhật Bản vào các sản phẩm nhập khẩu cùng với tỷ lệ tự cung cấp lương thực chỉ 38% đang mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm chất lượng cao, có thể truy xuất nguồn gốc và đóng gói bền vững.
Dây chuyền tái chế chai nhựa công nghệ cao của Nhà máy nhựa Duy Tân - Ảnh: D.T |
Nhật Bản vẫn được ghi nhận là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, nhất là với mặt hàng nông sản và thực phẩm. Đây cũng là thị trường nổi tiếng khó tính, yêu cầu về chất lượng, tính “xanh” và bền vững của sản phẩm cũng như bao bì đóng gói luôn đi trước thế giới một bước.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc marketing Công ty Liksin, cho hay một sản phẩm tốt nếu đựng trong bao bì không thân thiện môi trường sẽ làm giảm giá trị sản phẩm.
Phát triển bền vững đang trở thành xu hướng chung trên thế giới. Bao bì xanh trở thành khía cạnh giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm.
Ông Tuấn cũng chia sẻ, có 5 xu hướng bao bì xanh phổ biến trên thế giới hiện nay gồm: Refusal (từ chối sử dụng), reduce (giảm lượng, mức sử dụng), reuse (tái sử dụng), recycle (tăng khả năng tái chế) và rot (bao bì hữu cơ, bao bì thân thiện môi trường).
Trong đó, Refusal được áp dụng phổ biến trong ngành F&B, điển hình như các quán trà sữa khuyến khích người mua mang theo chai, bình. Reduce tức giảm độ dày, số lớp bóng, lượng nhựa sử dụng. Ví như nước khoáng Aquafina từng quyết định bỏ màng bọc nhựa trên nắp chai.
Reuse, cách này được nhiều hãng hóa mỹ phẩm sử dụng. Theo đó, các công ty này thường khuyến khích người dùng khi sử dụng hết sản phẩm sẽ đem chai, lọ cũ tới cửa hàng và đổ đầy lại và giảm giá mua. Recycle, dòng bao bì phổ biến nhất loại này đó là bao bì sử dụng nhựa tái sinh.
Theo khảo sát của Vietnam Report, tính bền vững của bao bì cũng ngày càng được người tiêu dùng quan tâm hơn. Bản thân doanh nghiệp trong nước đã chú trọng tới điều này. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp chưa thực sự hiểu được tầm quan trọng của bao bì với sản phẩm xuất khẩu.
Là người trong cuộc, ông Nguyễn Văn Muộn - Giám đốc Công ty kỹ thuật cao Hải Phòng, chia sẻ: Thường đối với doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp luôn chú trọng tới chất lượng nhưng ít quan tâm tới mẫu mã và bao bì sản phẩm.
“Tuy nhiên, mẫu mã bao bì lại đóng góp giá trị tương đối lớn cho sản phẩm, đặc biệt là gây dựng thương hiệu và tiếp cận nhanh chóng đến khách hàng không chỉ tại thị trường Nhật Bản mà có thể là tất cả các thị trường”, ông Muộn nói.
Theo ông Muộn, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm đang chuyển dịch dần sang bao bì tự hủy để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, điều này rất cần tới sự hỗ trợ từ Nhà nước bằng ưu đãi thuế, phí, cùng đó là định hướng kịp thời xu hướng cũng như cảnh báo về các quy định của nước nhập khẩu liên quan đến bao bì từ hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giúp doanh nghiệp có thêm sự khuyến khích và bắt nhịp kịp thời để thay đổi.
“Bao bì rất quan trọng, gắn với thương hiệu, luôn đi theo sản phẩm và rất ít khi thay đổi. Cho nên, doanh nghiệp định hướng tới kiểu dáng mẫu mã bao bì phù hợp nhất để lựa chọn chính xác tránh trường hợp thay đổi nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu sau này”, ông Muộn một lần nữa nhấn mạnh.
Là doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp về máy đóng gói bao bì sản phẩm, Công ty kỹ thuật cao Hải Phòng đang nỗ lực tìm nguồn thiết bị sản xuất bao bì ứng dụng nguyên liệu xanh, thân thiện môi trường và có chi phí hợp lý nhất đối với doanh nghiệp trong nước.
Được biết, đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương không chỉ tiến hành các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đơn vị còn thực hiện nhiều hoạt động cung cấp thông tin thị trường, cập nhật xu hướng tiêu dùng một cách chi tiết.
Riêng với xu hướng sử dụng bao bì trong sản phẩm nhập khẩu vào Nhật Bản, theo ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, đơn vị tổ chức các buổi hội thảo với sự tham gia của một lượng lớn doanh nghiệp hai bên, các chuyên gia nhằm tìm được tìm được tiếng nói chung trong cung - cầu sản phẩm cũng như sử dụng bao bì.
Tại những hoạt động này, doanh nghiệp của Việt Nam sẽ có cơ hội tìm kiếm, xây dựng các giải pháp đúng đắn, cấp thiết, phù hợp với xu hướng tái chế và sản xuất bao bì bền vững, giảm tác động đến môi trường, góp phần hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Thông tin thêm về ngành bao bì Việt Nam, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, ngành bao bì được cho là hưởng lợi từ sự phát triển của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia. Đây là một trong những ngành phát triển mạnh, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng tăng. Doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền công nghệ mới và cung cấp ra thị trường nhiều loại bao bì cao cấp, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm...
Số liệu từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy, bao bì nhựa cũng phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 25%/năm do ngành nông sản và thực phẩm tăng trưởng tốt.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ và bắt nhịp xu hướng “xanh” của ngành bao bì cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tìm được bao bì phù hợp cho hàng hoá xuất khẩu sang Nhật Bản nói riêng và ra các nước trên thế giới nói chung.