Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 01:17
Tin nóng:
Vỏn vẹn 3,5 triệu đồng khởi nghiệp
Ông Trần Việt Anh sinh năm 1962 tại Hà Nội. Xuất thân là một kỹ sư cơ khí, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, TP. Hồ Chí Minh, gia đình lại có truyền thống làm Nhà nước nên ban đầu, ông được phân công về công tác tại một đơn vị của Nhà nước – Bộ Lương thực.
Ông Trần Việt Anh - Tổng giám đốc công ty CP XNK Nam Thái Sơn |
“Tôi khi ấy trở thành người Nhà nước, một kỹ sư trẻ rất ổn định, tương đối có triển vọng thì lại xin nghỉ. Việc tôi rời Nhà nước là quyết định phức tạp và khó khăn. Thời điểm đó, tôi tính toán với thu nhập của kỹ sư quản đốc năm 1987 thì cần 14 năm để mua chiếc xe Honda. Nhưng khi tôi đi ra ngoài thì một năm sau tôi mua được rồi”, ông Trần Việt Anh từng chia sẻ.
Sau khi nghỉ việc tại cơ quan Nhà nước, ông Trần Việt Anh làm tư vấn kỹ thuật máy cho một số người Trung Quốc sản xuất bao bì nhựa. Trong một lần tình cờ, ông được tận mắt chứng kiến một số người Trung Quốc sản xuất sản phẩm bao bì nhựa tái chế từ những nguyên liệu bỏ đi. Tố chất nhạy bén trong kinh doanh giúp ông sớm nhận ra một khoảng trống mênh mông của thị trường bao bì nhựa. Bởi khi đó, những năm 80 của thế kỷ trước, người dân vẫn phải dùng bao đay để đựng gạo, mà bao đay thì bị ngấm nước. Ông nhận thấy, đây chính là cơ hội kinh doanh có một không hai và đó là lý do chính khiến ông nghỉ việc nhà nước.
“Bao nhiêu sản phẩm được làm ra từ ve chai đều tiêu thụ hết. Mình lại còn là kỹ sư cơ khí, có thể tạo ra các thiết bị sản xuất. Quyết định bước chân vào ngành nhựa cũng là sự thôi thúc bản thân phải làm điều gì đó cho riêng mình trước khi mình lấy vợ, cũng như sử dụng kiến thức của mình vào thực tế”, ông nói.
Năm 1998, ông quyết định thành lập Công ty TNHH thương mại Nam Thái Sơn để có điều kiện nhập thiết bị máy móc từ Đài Loan, nhằm sản xuất hàng phục vụ xuất khẩu. Ông khởi nghiệp với vốn đầu tư ban đầu 3,5 triệu đồng, thiết bị chỉ có hai máy dệt bao PP đơn sơ và vài khung in lụa giản đơn, nhân sự chưa tới 10 người. Nhờ cách làm táo bạo này, công ty ông trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ngành nhựa mở đường xuất khẩu và cũng giúp ông nhận được giải thưởng đầu tiên trong đời doanh nhân - Giải Doanh nhân trẻ xuất sắc (năm 2000).
Đến nay, công ty do ông sáng lập đã có hai nhà máy, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động, đem về doanh thu 20 triệu USD/năm, trở thành một trong 3 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về sản xuất bao bì nhựa. Lý giải về điều này, ông Trần Việt Anh trả lời ngắn gọn: “Chỉ cần bạn có ý tưởng, biết theo đuổi đam mê, làm việc chăm chỉ, kiên nhẫn, xem chuyện thất bại là bình thường thì chắc chắn bạn cũng làm được như vậy”.
Chủ động và làm ngược lại với người khác
Là người sớm nhìn ra bức tranh của thị trường bao bì nhựa Việt Nam, ông Trần Việt Anh luôn chủ động và có thể làm ngược lại với người khác. Năm 2012, khi Nhà nước bắt đầu áp dụng thuế bảo vệ môi trường lên đến 100% đối với ngành nhựa khiến hàng trăm doanh nghiệp phải đóng cửa, ông lại nói với nhân viên: Đây là cơ hội! “Muốn làm kinh doanh, việc đầu tiên phải có thị trường. Không có chiến lược về thị trường, chưa nhìn thấy thị trường, thì đừng có làm gì”, ông Trần Việt Anh nói.
Đúng như dự đoán của ông, khi chưa có thuế bảo vệ môi trường, công ty ông phải cạnh tranh với 300 doanh nghiệp, nhưng khi áp dụng mức thuế này, thì chỉ phải cạnh tranh với 100 doanh nghiệp. Tiếp đến, những doanh nghiệp còn lại muốn cạnh tranh với công ty ông, thì phải có “huân chương”, tức Giấy chứng nhận của Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Điều này bắt buộc họ phải lập phòng thí nghiệm nghiên cứu sản phẩm, lúc đó, những doanh nghiệp bắt đầu nản, họ bảo nhau: “Ngành bao bì nhựa thu nhập thấp, lại thêm phần thuế môi trường, chuyển qua làm cà phê, bất động sản khỏe hơn”.
Sản xuất bao bì tự hủy tại Công ty CP xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn (Khu công nghiệp Cát Lái, TP.HCM) - Ảnh T.T.D |
Càng nhiều doanh nghiệp bỏ thị trường, sân chơi rộng, ông càng làm tới. Từ việc phải cạnh tranh với 100 doanh nghiệp, lúc này, Nam Thái Sơn chỉ phải cạnh tranh với hơn 10 doanh nghiệp. Mặc dù công ty cũng phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, nhưng thay vì đối diện với khó khăn, ông tập trung nghiên cứu sâu về công nghệ, làm mọi cách cho ra túi tự phân hủy, để được chứng nhận không chịu thuế môi trường.
“Tôi dồn sức vào công nghệ. Lập phòng thí nghiệm nghiên cứu sản phẩm”, ông Trần Việt Anh nói và cho biết. Nhờ làm hàng xuất khẩu, nên khi đó, ông mạnh dạn trao đổi, học hỏi một số nhà nhập xuất ở châu Âu về cách làm túi tự phân hủy và được họ tư vấn về nguyên liệu, cũng như cách thức. Năm 2008, công ty ông sản xuất ra túi nilon tự phân hủy sinh học.
“Tất cả khách hàng mua bao bì ở nước ngoài, hễ cứ đến Việt Nam là phải đến Nam Thái Sơn đầu tiên”, ông Trần Việt Anh tự tin tuyên bố trên cơ sở Nam Thái Sơn hiện đã nằm trong top 3 nhà xuất khẩu bao bì lớn nhất Việt Nam. Hiện Nam Thái Sơn đang xuất khẩu chủ yếu qua ba thị trường: châu Âu (60%), Australia (30%), Nhật Bản (10%).
Nam Thái Sơn hiện là đối tác quen thuộc của hầu hết các chuỗi bán lẻ, chuỗi F&B lớn trên thị trường hiện nay, từ Co.op Mart, Aeon Mall, Go BigC, đến Thế Giới Di Động, chuỗi trà & cà phê Phúc Long, The Coffee House, hay hệ thống nhà hàng Red Sun, Lotteria,…