Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 16/11/2024 20:22
Tin nóng:
Xúc tiến thương mại điện tử là kênh quảng bá chủ chốt
Trong thời gian qua, ngành Công Thương tỉnh Quảng Nam luôn luôn quan tâm, thường xuyên tổ chức, triển khai các chương trình, hoạt động phát triển thị trường như “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Quảng Nam cũng tích cực tổ chức các chương trình thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội. Ngành Công Thương tỉnh cũng chú trọng xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài.
Quảng Nam đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại điện tử. Ảnh Hạ Vĩ |
Về thương mại điện tử, hạ tầng thương mại điện tử đang trong giai đoạn phát triển mạnh, trang thông tin sản phẩm tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp với hơn 500 sản phẩm của doanh nghiệp tham gia quảng bá thương hiệu, giới thiệu mặt hàng, sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước; có trên 10 tổ chức, doanh nghiệp được hỗ trợ về mặt kỹ thuật và kinh phí để xây dựng và vận hành, nâng cấp website quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến…
Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho cộng đồng được đẩy mạnh thông qua các hoạt động truyền thông trên Báo điện tử, Truyền thanh-Truyền hình, tại hội chợ, các tờ rơi quảng bá về thương mại điện tử và các hình thức khác. UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử; chỉ đạo xây dựng Trang thông tin sản phẩm tỉnh Quảng Nam (www.sanphamquangnam.gov.vn) để hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp và người tiêu dùng thuận lợi trong công tác tìm kiếm, kết nối mua - bán sản phẩm, hàng hóa của tỉnh trên môi trường thương mại điện tử.
Đây là trang thông tin được mọi người dân, doanh nghiệp sử dụng miễn phí, xem như kho lưu trữ tổng hợp sản phẩm, hàng hóa của tỉnh trên môi trường không gian mạng, được tích hợp nhiều tính năng liên kết trực tiếp đến đơn vị cung ứng sản phẩm, cũng như tích hợp chỉ dẫn trên hệ thống bản đồ GIS của tỉnh rất thuận lợi trong hoạt động tìm kiếm, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, sản phẩm đăng trên Trang thường xuyên được các cơ quan chức năng kiểm tra, hậu kiểm về các quy định, chất lượng sản phẩm và có chế tài xử lý nếu phát hiện nội dung không chính xác, vi phạm pháp luật.
UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2022; thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp chưa có hoặc đã có website thương mại điện tử đang hoạt động, thiết kế, nâng cấp thành website phục vụ cho thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập, kết nối gắn với cung ứng, tiêu thụ sản phẩm qua hình thức đăng thông tin sản phẩm trên Trang thông tin sản phẩm tỉnh Quảng Nam.
Tạo "đòn bẩy" thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại
Từ những cơ hội và thách thức nêu trên, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam đã có nhiều giải pháp trọng yếu, thúc đẩy công tác xác tiến thương mại và đặc biệt là hoạt động xúc tiến thương mại điện tử.
Thứ nhất, tham gia cùng Sở Công Thương trong các hoạt động xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp có cơ hội, tiếp cận thị trường, bán sản phẩm thông qua việc tham gia các Hội chợ trong cả nước; ký kết các biên bản ghi nhớ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, giao lưu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm đặc trưng của tỉnh giữa Quảng Nam và các tỉnh thành trong cả nước. Các doanh nghiệp phải tích cực, chủ động phát huy thế mạnh của mình phát triển sản xuất, hình thành được các sản phẩm có chất lượng cao, phong phú, đa dạng giới thiệu tới người tiêu dùng trong cả nước, hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra ngoài nước.
Gian hàng sản phẩm OCOP của Quảng Nam tại Trung Quốc. Ảnh OCOP Quảng Nam |
Thứ hai, nâng cao kỹ năng xúc tiến thương mại trong sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế; Liên kết với các thương hiệu tiêu dùng như Lazada, Sendo, Tiki,…để tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh quảng bá qua các kênh lớn, mạnh như: Google, Amazon; các mạng xã hội như: Facebook, Zalo.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025; lựa chọn một số sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Thứ tư, tập trung phát triển sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác đúng quy định, đẹp, phù hợp; xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc, mang trí tuệ, bản sắc địa phương để dễ tiếp cận và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng...
Thứ năm, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đối với các nhiệm vụ tại Quyết định số 2454/QĐ-UBND ngày 04/9/2020 của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để nâng tính hữu dụng việc đưa thông tin sản phẩm hàng hoá của cơ sở, doanh nghiệp lên Trang thông tin sản phẩm, đồng thời kết nối với các sàn thương mại điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mua bán sản phẩm và thuận lợi trong công tác thống kê, quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ sáu, tăng cường hỗ trợ các cơ sở doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử của doanh nghiệp để doanh nghiệp tự quảng bá, bán hàng. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, các tiêu thương kinh doanh về công tác thanh toán không dùng tiền mặt.
Thứ bảy, đối với gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm: Tập trung rà soát công tác quy hoạch, quy mô ngành, mối liên kết giữa sản xuất và lưu thông, chuỗi liên kết, logistics, thông tin thị trường và triển khai thực hiện Chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp các sản phẩm tiềm năng xuất khẩu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại; ngành Công Thương và ngành nông nghiệp đã ký kết kế hoạch liên tịch về tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc hợp tác, liên kết sản xuất đã đem lại những hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao nhận thức của người dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; nâng cao thu nhập cho các bên tham gia liên kết; tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng đồng bộ trên diện tích lớn, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ; tổ chức sản xuất liên kết cũng góp phần xây dựng, củng cố và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, khuyến khích, thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là các ngành hàng/sản phẩm chủ lực, xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, phát triển chế biến sâu hàng hóa nông sản, là cơ sở để triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm…