Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 19:00
Tin nóng:
Bắc Âu - Thị trường tiềm năng cho cà phê Việt Nam Tận dụng EVFTA đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam tại thị trường Bắc Âu |
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Vụ trưởng – Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý |
Thưa bà, Bắc Âu được đánh giá là một trong những thị trường có nhu cầu cao về nông sản, đồng thời cũng luôn đi đầu trong các xu hướng bảo vệ môi trường. Bà chia sẻ gì về xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay tại thị trường Bắc Âu?
Bắc Âu là một trong những thị trường có nhu cầu lớn về nông sản nhập khẩu do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, hạn chế khả năng tự cung cấp thực phẩm, đặc biệt là các loại nông sản nhiệt đới. Điều này mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam, vốn đa dạng về chủng loại và có thể đáp ứng nhu cầu về chất lượng cũng như hương vị mà thị trường Bắc Âu ưa chuộng.
Tuy nhiên, phải nói rằng, Bắc Âu là thị trường khó tính nhất trong khu vực EU. Các quốc gia Bắc Âu, bao gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Iceland, được biết đến không chỉ với nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, mà còn với những yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và sự ưu tiên cho các giá trị xã hội và môi trường.
Các nước Bắc Âu đang định hình các chính sách phát triển kinh tế với trọng tâm bền vững, đổi mới công nghệ và bảo vệ xã hội. Mục tiêu lớn của họ là xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu khí thải và tối ưu hóa năng lượng tái tạo. Xu hướng chính sách lại ảnh hưởng tới xu hướng tiêu dùng. Người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng chú trọng đến những sản phẩm có tính bền vững, sản xuất theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và có trách nhiệm. Đây không chỉ là một xu hướng tiêu dùng mà đã trở thành một phần của lối sống với triết lý tiêu dùng “vừa đủ” và “bền vững”.
Ví dụ, tại Thụy Điển, phong trào tiêu dùng “lagom” (tạm dịch: vừa đủ) đang rất thịnh hành, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm một cách vừa phải, giảm thiểu tiêu thụ lãng phí và chọn các sản phẩm “xanh”. Phong trào này cũng phản ánh sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Theo thống kê, thị phần thực phẩm hữu cơ tại các nước Bắc Âu đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Đan Mạch được ghi nhận là một trong những nước có tỷ lệ tiêu thụ thực phẩm hữu cơ trên đầu người cao nhất thế giới. Các loại thực phẩm như rau củ quả hữu cơ, sữa không hóa chất, thịt sạch, và các sản phẩm từ ngũ cốc nguyên chất là những mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cà phê đặc sản là một sản phẩm có tiềm năng lớn tại Bắc Âu (Ảnh: TTXVN) |
Xu hướng xanh hóa trong ngành nông nghiệp tại Bắc Âu hiện nay diễn ra như thế nào? Các nước trong khu vực này đã triển khai những chiến lược hoặc sáng kiến nào để thúc đẩy nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, thưa bà?
Xu hướng xanh hóa trong ngành nông nghiệp tại Bắc Âu đang phát triển mạnh mẽ với mục tiêu giảm thiểu tác động môi trường, thúc đẩy sự bền vững và bảo vệ hệ sinh thái. Các nước Bắc Âu đã thiết lập nhiều chiến lược tiên tiến nhằm phát triển nền nông nghiệp thân thiện với môi trường. Để đạt được điều này, họ đã ứng dụng công nghệ cao trong quản lý và giám sát quy trình sản xuất. Các công nghệ hiện đại như hệ thống cảm biến, trí tuệ nhân tạo và blockchain được áp dụng để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu lãng phí mà còn góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của khu vực.
Một trong những xu hướng nổi bật ở Bắc Âu là việc thúc đẩy sản xuất hữu cơ và giảm thiểu hóa chất độc hại. Chính phủ các nước trong khu vực này đã khuyến khích sản xuất hữu cơ bằng các chính sách hỗ trợ và các quy định chặt chẽ trong việc hạn chế sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu. Điều này giúp đảm bảo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ đất và nguồn nước, tạo điều kiện cho hệ sinh thái phát triển bền vững. Việt Nam, khi muốn hướng đến sản xuất xanh và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường khó tính như Bắc Âu, hoàn toàn có thể học hỏi từ các mô hình phát triển bền vững này.
Từ thực tế làm công tác thương vụ, bà có khuyến nghị gì với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản để chiếm lĩnh tốt hơn thị trường EU nói chung và thị trường khu vực Bắc Âu nói riêng?
Để nâng cao vị thế của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam tại thị trường EU và Bắc Âu, các doanh nghiệp cần tiếp tục chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo nguồn cung ổn định, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, tận dụng các ưu đãi từ hiệp định EVFTA và phát triển sản phẩm bền vững. Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có thể triển khai một giải pháp mới đầy triển vọng, đó là khai thác thị trường ngách, nhằm mở ra cơ hội cho các sản phẩm nông sản xanh của Việt Nam.
Đặc trưng của thị trường ngách chính là việc tập trung vào những yêu cầu riêng biệt và khác biệt, điều này giúp các doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh mà không phải đối đầu trực tiếp với các đối thủ lớn. Đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi cạnh tranh trở nên ngày càng gay gắt, việc phát triển thị trường ngách giúp doanh nghiệp khai thác những khe hở thị trường một cách hiệu quả và bền vững.
Kinh nghiệm từ một số quốc gia cho thấy rằng phát triển thị trường ngách không chỉ giúp doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh mà còn mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng. Nhật Bản đã rất thành công với việc tinh tế hóa sản phẩm và cá nhân hóa dịch vụ. Thụy Điển tiên phong trong thị trường sản phẩm bền vững. Hàn Quốc đã rất thành công trong việc khai thác làn sóng văn hóa, thúc đẩy văn hóa thông qua sản phẩm và ngược lại. Từ những kinh nghiệm này, doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi để tạo ra các sản phẩm nông sản xanh và có giá trị gia tăng cao từ Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản và sản phẩm được chế biến tự nhiên gắn với các giá trị chất lượng, sức khỏe, văn hóa và bền vững.
Một số nhóm sản phẩm nông sản xanh thuộc thị trường ngách có tiềm năng xuất khẩu sang Bắc Âu bao gồm: cà phê đặc sản, các loại hạt dinh dưỡng (như hạt điều và hạt macca), gia vị tự nhiên (như tiêu, quế, hồi), các loại trái cây sấy và chế phẩm từ gạo hữu cơ. Đây đều là những sản phẩm có giá trị cao và thường được ưa chuộng tại các thị trường yêu cầu chất lượng, nguồn gốc bền vững và sản phẩm thân thiện với sức khỏe. Các sản phẩm nên được gắn với các câu chuyện liên quan đến xuất xứ vùng miền, bảo vệ môi trường, công bằng xã hội để thu hút khách hàng.
Khai thác thị trường ngách đòi hỏi doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của người dân Bắc Âu, đồng thời tập trung đầu tư vào phát triển sản phẩm bền vững, an toàn và có giá trị cao. Đó là hướng đi mang lại tiềm năng phát triển bền vững, góp phần khẳng định vị thế của nông sản Việt tại thị trường quốc tế.
Trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu sẽ triển khai những giải pháp gì nhằm thúc đẩy việc đưa nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn thị trường?
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển luôn đồng hành với các doanh nghiệp, thông qua các hoạt động nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường; Kết nối doanh nghiệp với các đối tác nhập khẩu tại Bắc Âu; Hỗ trợ quảng bá thương hiệu và sản phẩm nông sản Việt Nam.
Ngoài ra, tận dụng cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển tham gia vào việc giới thiệu và phát triển kênh phân phối hàng Việt Nam cũng đặc biệt quan trọng. Trong thời gian tới, Thương vụ tiếp tục triển khai các hoạt động vận động kiều bào tích cực hưởng ứng phong trào “Người Việt Nam ưu tiên kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam”. Phong trào này không chỉ nhằm tăng cường nhận thức về giá trị của các sản phẩm Việt Nam mà còn thúc đẩy cộng đồng kiều bào đóng vai trò là "đại sứ thương hiệu" trong việc giới thiệu hàng Việt đến người tiêu dùng bản địa, từ đó góp phần gia tăng nhận thức về chất lượng hàng hóa Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Xin cảm ơn bà!