Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 20/04/2025 05:50
Tin nóng:
Cơ hội xuất khẩu gỗ qua sàn thương mại điện tử Nhiều người kinh doanh online chưa kê khai, nộp thuế Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu nhờ thương mại điện tử |
Hồi sinh nhờ thương mại điện tử
Thanh Hóa là 1 vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, từ lâu đã nổi tiếng với nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và những thách thức từ quá trình công nghiệp hóa, nhiều làng nghề truyền thống từng đứng trước nguy cơ mai một.
Thế nhưng bên cạnh đó, nhờ vào sự bùng nổ của thương mại điện tử trong thời đại 4.0, các làng nghề truyền thống tại tỉnh Thanh Hóa đang có cơ hội hồi sinh mạnh mẽ, không chỉ giữ vững nghề xưa mà còn phát triển vượt bậc.
![]() |
Các sản phẩm trống đồng làm quà tặng được các nghệ nhân làng đúc đồng Trà Đông (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) làm ra được khách hàng ưa thích và đặt hàng qua các sàn thương mại điện tử |
Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có khoảng 50 làng nghề truyền thống, với các lĩnh vực sản xuất đa dạng như dệt, chế tác đá, đúc đồng, làm nước mắm, sản xuất bánh kẹo truyền thống... Trong nhiều năm trước, do sự thay đổi của thị hiếu tiêu dùng và cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm công nghiệp, nhiều làng nghề từng rơi vào tình trạng khó khăn, sản xuất cầm chừng hoặc thậm chí tưởng chừng như đã mai một.
Đơn cử như làng nghề rèn xã Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc) nơi đây được biết đến là một xã đặc thù với nghề rèn truyền thống có từ lâu đời với rất nhiều sản phẩm nổi tiếng như: dao, kéo, cày, bừa, cuốc, xẻng,… mà ít có vùng nào sánh được.
Thế nhưng làng nghề này đã có những thời điểm vô cùng khó khăn vì các sản phẩm thủ công truyền thống vốn chỉ bán trong phạm vi nhỏ lẻ, thêm vào đó là sự bùng nổ mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử đã khiến người dân, thậm chí các bà nội trợ chỉ cần ngồi nhà lướt điện thoại là có thể đặt hàng khiến nhiều lò rèn giảm đơn hàng, khách mua thưa thớt.
Mặc dù vậy, những người trẻ nơi đây đã nắm bắt được xu thế, lập các tài khoản, fanpage, tham gia các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và cả các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok. Nhờ đó, sản phẩm của làng nghề rèn Tiến Lộc đã hồi sinh, tiếp cận không chỉ người tiêu dùng trong nước mà còn có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế.
![]() |
Công nhân đang rèn dao tại làng nghề rèn Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Xưởng rèn Tấn Lộc Tài (làng nghề rèn xã Tiến Lộc) cho biết, nắm bắt được xu thế thị trường, xưởng rèn bắt đầu đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử từ năm 2022.
“Hiện nay tôi đang bán hàng trên các sàn như TikTok Shop, Lazada, Shopee,… Anh em cùng công ty cũng đang chạy quảng cáo để bán hàng, qua đó cũng có thêm đơn hàng, mức tiêu thụ hàng hóa tăng cao”, anh Tiến Chia sẻ.
Hiện nay, tại nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã liên kết để cùng đưa các sản phẩm lên các kênh tiêu thụ online. Đơn cử như tại phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, đã có hơn 50 hộ liên kết để đưa sản phẩm mắm Ba Làng lên tiêu thụ trên kênh Shopee, Lazada và quảng cáo sản phẩm trên kênh TikTok.
Mỗi hộ làm nghề còn thực hiện tiêu thụ riêng qua các trang Facebook, Zalo cá nhân. Điều này giúp các hộ dân san sẻ chi phí cũng như lợi ích; đồng thời từ đó trao đổi kinh nghiệm trong việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trên mạng xã hội cũng như các sàn thương mại điện tử.
Thích ứng kịp thời với bùng nổ thương mại điện tử
Đặc biệt từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc đưa các sản phẩm làng nghề lên sàn thương mại điện tử thực sự đã được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chú trọng và thích ứng kịp thời; khi đó các kênh tiêu thụ truyền thống, trực tiếp đã bị đình trệ do đại dịch. Khi phát triển thị trường tiêu thụ trên các kênh online đã giúp người làm nghề nhận ra tiềm năng và lợi ích vượt trội.
![]() |
Các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đến từ các làng nghề tại Thanh Hóa được khách hàng rất ưa chuộng và đặt hàng thông qua các sàn thương mại điện tử |
Đến nay, rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở tại các làng nghề đều phát triển kênh tiêu thụ online. Các cơ sở quy mô nhỏ thì giới thiệu, quảng cáo, rao bán sản phẩm miễn phí như trên Facebook, Zalo... Những doanh nghiệp, cơ sở quy mô lớn đã bỏ chi phí để quảng cáo sản phẩm trên các kênh bán hàng trực tuyến, các sàn thương mại điện tử nhờ đó doanh thu ngày càng tăng cao.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, chị Mai Thị Lan, đại diện Công ty TNHH xuất khẩu Việt Trang (làng nghề cói huyện Nga Sơn) cho biết, trước đây việc thu hoạch và bán sản phẩm từ cói còn manh mún và phụ thuộc nhiều vào khách hàng mua.
“Hàng chủ yếu mang ra các chợ bán và chủ yếu bán trực tiếp cho dân là chính nên việc tiếp xúc và buôn bán với các đối tác lớn đa phần là không có và nếu có thì cũng phải qua khâu trung gian nên thu nhập từ nguồn hàng không được cao. Có thời điểm dân trong nghề đã phải điêu đứng muốn bỏ nghề vì có cung mà không có cầu”, chị Lan chia sẻ.
Tuy nhiên sau khi bùng nổ thương mại điện tử, doanh nghiệp này đã tiếp xúc với các công nghệ mới, phương thức bán hàng mới và đem lại hiệu quả cao trong sản xuất và bán hàng. Nhờ bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đã đưa hình ảnh sản phẩm cói Nga Sơn đến gần hơn với nhiều khách hàng quốc tế.
![]() |
Các sản phẩm làm đồ dùng, trang trí, quà tặng được làm ra từ cói tại làng nghề cói huyện Nga Sơn |
“Trước kia chủ yếu là bán hàng trong nước, hàng hóa xuất khẩu ít vì không tiếp cận được với thị trường nước ngoài. Thế nhưng từ khi bán hàng trên các sàn thương mại điện tử thì việc bán hàng đã dễ dàng hơn, mình có thêm kênh để tìm đến khách và khách cũng sẽ tự tìm đến mình. Doanh số của công ty cũng tăng hằng năm, so với trước kia doanh số tăng gấp đôi, gấp ba, từ 20 tỷ lên 70-80 tỷđồng / năm”, chị Lan cho biết thêm.
Để khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất tại các làng nghề đưa sản phẩm tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, Sở Công Thương Thanh Hóa đã và đang cùng chính quyền các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về thương mại điện tử cho các hiệp hội làng nghề và chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ làng nghề, làng nghề truyền thống.
Thông qua đó họ đã nắm bắt, ứng dụng thực tiễn về phát triển thương mại điện tử trên các trang mạng xã hội; tiếp thị bằng Google Marketing; tìm hiểu và xây dựng kênh Facebook, TikTok... cũng như lập tài khoản để bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Mặc dù thương mại điện tử mang lại nhiều cơ hội, nhưng việc các làng nghề truyền thống tiếp cận và ứng dụng công nghệ số vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức như thiếu kỹ năng, kinh nghiệm. Nhiều nghệ nhân và hộ sản xuất chưa quen với các nền tảng trực tuyến, khiến việc tiếp cận thương mại điện tử cũng gặp khó khăn.
Ngoài ra, bùng nổ của thương mại điện tử cũng tạo nên sự cạnh tranh gay gắt giữa các làng nghề, đòi hỏi chủ các cơ sở sản xuất phải có chiến lược rõ ràng để làm nổi bật sản phẩm của mình giữa hàng nghìn sản phẩm khác.
Để khắc phục những vấn đề này, các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp đã tổ chức nhiều khóa đào tạo kỹ năng kinh doanh online, hướng dẫn cách xây dựng thương hiệu, tối ưu hóa kênh bán hàng trực tuyến. Bản thân chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng cần tự hoàn thiện những kỹ năng cần thiết để bắt kịp với xu thế thị trường.
Sự phát triển của thương mại điện tử đang mở ra một trang mới cho các làng nghề truyền thống tại Thanh Hóa. Hiệu quả từ kênh bán hàng này không chỉ giúp duy trì những giá trị văn hóa lâu đời mà còn giúp các sản phẩm tiểu thủ công tiếp cận được thị trường rộng lớn hơn, gia tăng thu nhập cho người dân. Nếu biết cách tận dụng cơ hội này, các làng nghề truyền thống tại Thanh Hóa không chỉ hồi sinh mà còn có thể phát triển mạnh mẽ trong thời đại số. |