Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 20/04/2025 08:23
Tin nóng:
Quy định EUDR: Rào cản cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ? Xuất khẩu gỗ duy trì tăng trưởng cao đến cuối năm |
Xuất khẩu gỗ còn nhiều thách thức
Bước sang năm 2025, chính sách thương mại thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam sẽ có thay đổi khi ít ngày tới, ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ. Là ngành xuất khẩu lớn, gỗ Việt Nam có thể đối mặt với rủi ro liên quan đến chính sách thuế nhập khẩu.
Hiện nay, Việt Nam đang tận dụng lợi thế từ việc Hoa Kỳ áp dụng mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc. Điều này đã tạo ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cảnh báo rằng, nếu không kiểm soát tốt, việc gia tăng đầu tư và nhập khẩu từ các quốc gia khác vào Việt Nam có thể gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và ngành gỗ nói riêng.
![]() |
Gỗ Việt Nam có thể đối mặt với rủi ro liên quan đến chính sách thuế nhập khẩu. Ảnh: Chu Khôi |
Bên cạnh đó, khả năng Hoa Kỳ áp dụng các mức thuế mới đối với hàng hóa từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng gỗ, đang là một mối lo ngại lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Điều này không chỉ gây khó khăn trong khâu xuất khẩu mà còn tác động trực tiếp đến sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Đồng tình với những nhận định trên, ông Nguyễn Hoài Bảo - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, ngoài những thách thức từ chính sách thương mại, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam còn phải đối mặt với áp lực lạm phát tại thị trường Hoa Kỳ và sự suy giảm cầu tiêu dùng toàn cầu. Những yếu tố này đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu truyền thống.
Thương mại điện tử: Động lực tăng trưởng mới cho ngành gỗ Việt Nam
Trong bối cảnh xuất khẩu truyền thống gặp nhiều khó khăn, ngành gỗ Việt Nam đang tìm kiếm những hướng đi mới để tăng trưởng. Một trong những cơ hội nổi bật hiện nay là việc tham gia các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận được lượng khách hàng lớn mà còn mở ra những thị trường mới đầy tiềm năng.
Theo bà Nguyễn Thanh Yến My, đại diện sàn thương mại điện tử Amazon, tỷ lệ nhập khẩu các sản phẩm nội, ngoại thất tại Hoa Kỳ đang tăng trưởng rất mạnh. Đặc biệt, thị trường thương mại điện tử ngành nội thất tại Hoa Kỳ dự báo sẽ đạt 118,6 tỷ USD vào năm 2027. Điều này cho thấy một tiềm năng rất lớn cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam.
![]() |
Nhiều sản phẩm đồ gỗ Việt đang rất được ưa chuộng trên các sàn thương mại điện tử tại Hoa Kỳ. Ảnh minh họa |
Các sản phẩm nội thất như kệ để giày, khung giường, tủ quần áo, bàn làm việc gấp gọn, kệ nhà bếp, kệ phòng tắm, sản phẩm quà tặng cá nhân hóa... đang rất được ưa chuộng trên các sàn thương mại điện tử tại Hoa Kỳ. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác và mở rộng thị trường.
Trong khi doanh số thương mại điện tử của hàng nội thất và thủ công mỹ nghệ đang tăng trưởng vượt bậc, điều này cho thấy việc tham gia các sàn thương mại điện tử là một hướng đi đúng đắn cho doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam. Một số doanh nghiệp đã thành công khi bán hàng qua các nền tảng xuyên biên giới như Wayfair, Amazon và đạt được kết quả bước đầu khá khả quan.
Khi tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử quốc tế, doanh nghiệp xuất khẩu Việt sẽ có cơ hội tiếp cận khách hàng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, so với việc mở cửa hàng truyền thống, việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử có chi phí thấp hơn và doanh nghiệp có thể dễ dàng quản lý và điều chỉnh hoạt động kinh doanh của mình trên sàn.
Tuy nhiên, việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới cũng đối mặt với một số thách thức do thị trường thương mại điện tử rất cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh và dịch vụ tốt. Vận chuyển hàng hóa đi các nước khác đòi hỏi doanh nghiệp phải có hiểu biết về các quy định hải quan và lựa chọn được đơn vị vận chuyển uy tín. Đặc biệt, việc thanh toán quốc tế cũng là một vấn đề cần được doanh nghiệp quan tâm và chú trọng.
Ông Nguyễn Hoài Bảo nhận định, việc tận dụng kênh thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ góp phần giúp sản phẩm gỗ Việt Nam tiếp cận nhiều khách hàng hơn, gia tăng doanh thu và giảm bớt rủi ro khi kênh truyền thống gặp ảnh hưởng.
“Ở góc độ hiệp hội, HAWA đang tích cực hợp tác với các đối tác thương mại điện tử lớn của Hoa Kỳ, đồng thời thúc đẩy kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển nhằm nâng cao năng lực logistics, hỗ trợ tối ưu cho mô hình xuất khẩu trực tuyến của doanh nghiệp”, ông Bảo chia sẻ.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tháng 11/2024, Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,46 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng của tháng 11 góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD trong 11 tháng năm 2024; tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhận định, năm nay kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ có thể mang về khoảng 16,3 tỷ USD. Nếu tính cả lâm sản ngoài gỗ với giá trị khoảng 700 triệu USD, tổng xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt trên 17 tỷ USD. |