Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 05/11/2024 17:59
Tin nóng:
Trung Đông - Thị trường tiềm năng của xuất khẩu cá ngừ
Trong những năm gần đây, Israel luôn là thị trường xuất khẩu cá ngừ hàng đầu của Việt Nam sau Mỹ và EU. Chính vì thế, căng thẳng Israel - Iran leo thang gần đây đang ảnh hưởng tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá ngừ sang Israel năm 2023 đã tăng 37% so với năm trước đó, đạt hơn 50 triệu USD. Ngày 25/7/2023, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký kết đã tạo rất nhiều thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu thuỷ sản, trong đó có cá ngừ sang thị trường này.
“Có thể nói, Israel là một thị trường xuất khẩu cá ngừ tiềm năng của ngành cá ngừ Việt Nam. Mặc dù, Trung Đông lâu nay luôn xảy ra nhiều cuộc xung đột nhưng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn tăng”, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định.
Theo VASEP, một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành xuất khẩu cá ngừ hiện nay là nguồn nguyên liệu. Ảnh: VASEP |
VASEP cho biết, Trung Đông là khu vực trung tâm của 3 châu lục: Châu Á, châu Âu, châu Phi, do đó nếu xung đột xảy ra có thể gây tắc nghẽn vận tải biển, trong đó có vịnh Aden là tuyến đường ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á. Trao đổi thương mại quốc tế qua tuyến đường chiến lược này chiếm tới 12 - 13% tổng thương mại thế giới, thủy sản Việt Nam xuất khẩu cũng đi qua vịnh này, qua Biển Đỏ.
Theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP, bước sang năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng trưởng cao liên tục kể từ đầu năm. Tuy nhiên, trong 3 tháng trở lại đây, xuất khẩu sang Israel đã có dấu hiệu không ổn định, với sự sụt giảm 31% trong tháng 7. Tháng 8, xuất khẩu sang thị trường này đã tăng trở lại với mức tăng 20% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân của sự biến động này vẫn đang được các chuyên gia phân tích. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể đã tác động đến tình hình xuất khẩu, do thị trường EU đang ngày càng thu hút nhiều nhà xuất khẩu cá ngừ trên thế giới, dẫn đến cạnh tranh khốc liệt về giá cả và chất lượng sản phẩm. Các yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát, suy thoái kinh tế tại một số quốc gia thành viên EU cũng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ cá ngừ. Nhiều quy định về an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm của EU ngày càng khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng những yêu cầu cao hơn.
Nguồn nguyên liệu là thách thức lớn nhất
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ cho biết, năm nay cá ngừ nguyên liệu đánh bắt trong nước khó thu mua hơn các năm vì quy định vướng kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn được phép đánh bắt, doanh nghiệp phải tăng cường nhập khẩu.
Ngoài ra, giá cá ngừ nhập khẩu cao hơn vì gánh thêm chi phí vận chuyển, tài chính ở hết trong nguồn hàng. Chưa kể, doanh nghiệp vừa trải qua một thời gian khó khăn, chỉ trong chờ vào dịp lễ cuối năm. Nếu tắc nghẽn thị trường Israel, hàng tồn kho sẽ tăng cao cũng gây áp lực rất lớn lên vốn lưu chuyển của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn đang ngày càng khó khăn hơn, điều này khiến doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, theo VASEP, một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành xuất khẩu cá ngừ hiện nay là nguồn nguyên liệu. Cụ thể, trong cơ cấu giá trị xuất khẩu cá ngừ những năm gần đây, có tới hơn 50% giá trị được tạo ra từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Điều này cho thấy sự phụ thuộc lớn của ngành vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, trong khi nguồn nguyên liệu trong nước lại không ổn định và không đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến xuất khẩu.
Để vượt qua khó khăn và ổn định sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần có những giải pháp đồng bộ như doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm các thị trường mới, giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Xây dựng các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với ngư dân, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định và chất lượng. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như hỗ trợ vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
Thị trường Israel là một thị trường xuất khẩu cá ngừ tiềm năng của Việt Nam. Mặc dù Trung Đông lâu nay luôn xảy ra nhiều cuộc xung đột nhưng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn tăng. Với cuộc xung đột mới đây giữa Iran và Israel, hiện chưa có doanh nghiệp cá ngừ nào báo cáo bị ảnh hưởng. Nhưng trong tương lai, xuất khẩu sang thị trường này ít nhiều sẽ biến động. |