Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 05:03
Tin nóng:
Dư địa tăng của giá tiêu Việt Nam vẫn còn nhiều Khan hiếm nguồn cung, thị trường tiêu chưa thấy lực đẩy để bứt phá |
Giá hồ tiêu xuất khẩu tăng mạnh 49,2% lên mức 4.941 USD/tấn
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9 năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 20.000 tấn hạt tiêu, với kim ngạch đạt 125 triệu USD, lần lượt tăng 10,4% về lượng và 84,9% về giá trị.
Tính lũy kế đến hết tháng 9/2024, nước ta đã thu được hơn 1 tỷ USD từ việc xuất khẩu 203.000 tấn hạt tiêu, giảm nhẹ 1,5% về lượng nhưng lại tăng mạnh tới 46,9% về giá trị.
Sở dĩ nước ta đạt kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu lên hơn 1 tỷ USD là vì giá của mặt hàng này tăng mạnh 49,2% so với cùng kỳ năm 2023, lên mức 4.941 USD/tấn. Đặc biệt, trong tháng 9, giá trung bình của hạt tiêu xuất khẩu đạt 6.239 USD/tấn, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng được coi là tháng có mức giá xuất khẩu cao nhất trong nhiều năm qua.
Hết tháng 9/2024, Việt Nam đã thu được hơn 1 tỷ USD từ việc xuất khẩu 203.000 tấn hạt tiêu. Ảnh:TL |
Ghi nhận sáng ngày 30/9, giá hạt tiêu ở thị trường nội địa dao động từ 148.000 – 149.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng so với hôm trước. Theo dự báo của các chuyên gia, giá tiêu trong nước có khả năng sẽ tiếp tục tăng, nhất là khi nhu cầu về mua sắm cho dịp Tết Nguyên đán sắp đến.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) ghi nhận giá tiêu đen Việt Nam ở mức 6.800 USD/tấn, với loại 500 g/l; mức 7.100 Usd/tấn với loại 550 g/l; mức giá 10.150 USD/tấn với hạt tiêu trắng.
Dự báo ngành hàng hồ tiêu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi
Theo Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, trong ngắn hạn, dự báo giá tiêu toàn cầu sẽ duy trì ở mức cao vì nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên sẽ không có hiện tượng tăng đột biến mà chỉ tăng nhẹ, do Indonesia và Brazil đang vào vụ thu hoạch trong khi nhu cầu của thị trường thế giới không tăng mạnh, và Trung Quốc cũng không thu mua nhiều.
Về dài hạn, giá hạt tiêu xuất khẩu vẫn sẽ được hỗ trợ, vì sản lượng mặt hàng này của nước ta trong vụ mùa 2025 dự kiến giảm. Cụ thể, vụ hạt tiêu năm 2025 của Việt Nam sẽ thu hoạch gần như toàn bộ vào tháng 2, trong khi một số vùng khác kéo dài đến tháng 3 – tháng 4, bị chậm hơn 1 – 2 tháng so với các năm trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán kéo dài.
Vì vậy, ngành hàng hồ tiêu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi vì giá xuất khẩu ở mức cao do nguồn cung hạn chế. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), lượng hạt tiêu ở trong dân gần như không còn, thay vào đó chỉ còn tại các đại lý và kho của doanh nghiệp.
Theo báo cáo mới đây của Nedspice, Việt Nam đã xuất khẩu 186 nghìn tấn hồ tiêu tính đến tháng 8, bằng với sản lượng và nhập khẩu của năm nay. Xuất khẩu trong quý IV sẽ phụ thuộc vào việc giải phóng lượng tồn kho chuyển tiếp nhiều năm được nắm giữ bởi các nhà đầu tư lớn và khối lượng nhập khẩu bổ sung.
Thông thường, vụ thu hoạch cà phê vào tháng 10 thúc đẩy các bên trung gian thanh lý tiêu để giao dịch cà phê. Tuy nhiên, năm nay với mức tồn kho thấp hơn và vụ thu hoạch cà phê bị hoãn đến tháng 11, việc thanh lý kho tiêu có thể giảm đáng kể.
Giá cao đã thúc đẩy việc trồng lại và canh tác thâm canh nhiều hơn. Kết hợp với thời tiết thuận lợi, điều này có thể dẫn đến một vụ mùa lớn hơn vào năm 2025. Tuy nhiên, việc diện tích giảm trong những năm qua và các cây tiêu già cỗi làm giảm tiềm năng sản xuất cho đến khi những cây trồng mới bắt đầu cho thu hoạch.
Nedspice cho biết, tỷ lệ tồn kho toàn cầu so với nhu cầu đang giảm, đẩy giá lên cao và khuyến khích nông dân đầu tư vào duy trì và mở rộng các trang trại tiêu của họ.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), giá tiêu có thể vượt lên mức trên 160.000 đồng/kg. Một trong những nguyên chính thúc đẩy giá tiêu tăng trong thời gian qua là do nguồn cung hạn chế trên toàn thế giới.
Nhìn về dài hạn trong 3 - 5 năm tới, lượng hồ tiêu sản xuất ra chưa thể đáp ứng được cho nhu cầu tiêu dùng của thế giới. Hơn nữa, các chuyên gia cũng nhận định rằng, hạt tiêu đã bước vào một chu kỳ tăng giá mới. Chu kỳ này kéo dài từ 10 – 15 năm, với khả năng giá đạt đỉnh dao động từ 350.000 - 400.000 đồng/kg.
Còn dưới góc nhìn của chuyên gia ngành hồ tiêu, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai, giá tiêu tăng nhanh gần đây do tác động của yếu tố đầu cơ. Bởi lẽ, hiện giá thế giới đang tăng, giá nội địa thấp hơn thế giới nên nhiều đại lý nhỏ lẻ đang găm giữ hàng và đẩy giá lên.
Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu thị trường tăng cao đẩy giá hồ tiêu tăng trở lại. Thêm vào đó, có ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc quay lại mua hàng cũng tác động mạnh lên giá tiêu.
Mặt khác, người bán đang bày tỏ mong muốn thiết lập một sự liên kết trong ngành hồ tiêu Việt Nam nhằm kiểm soát giá và tránh tình trạng đơn hàng ồ ạt trên thị trường.
Hạt tiêu là mặt hàng có giá trị kinh tế cao và đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Trong năm 2023, nước ta xuất khẩu tiêu có kim ngạch đạt 912 triệu USD. Đến nay, Việt Nam vẫn giữ vững vị trí là quốc gia xuất khẩu tiêu lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng 60% thị phần toàn cầu.
Hạt tiêu của Việt Nam hiện được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó, các thị trường xuất khẩu truyền thống hạt tiêu, đặc biệt là hạt tiêu đen của Việt Nam, bao gồm: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất…