Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 23:30
Tin nóng:
Giá tiêu tăng, cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu Mục tiêu nào cho giá tiêu sắp tới? |
Theo đánh giá chung, giá tiêu thời gian này đang trong trạng thái lúc lên, lúc xuống, nhưng nhìn chung xu thế sẽ tiếp tục tăng lên. Nguyên nhân chính là nguồn cung hồ tiêu ở Việt Nam hiện đã cạn do sản lượng vụ 2023 – 2024 giảm khá nhiều so với niên vụ trước.
Trong khoảng 1 tháng nay, mặc dù giá tiêu có phần ổn định trở lại nhưng vẫn đang dao động ở mức cao nhất trong khoảng 8 năm trở lại đây.
Cụ thể, giá tiêu tại các vùng trồng trọng điểm trong nước như: Đắk Lắk, Gia Lai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai ngày 20/7/2024 ghi nhận quanh mức 145.000 – 147.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm 2021, mức giá này tăng gần gấp đôi, theo đó, giá tiêu ngày 16/7/2021 quanh mức 73.000 – 75.000 đồng/kg. Giá tiêu duy trì quanh mức 67.000 - 70.000 đồng/kg thời điểm này các năm 2022 và 2023.
Dư địa tăng của giá tiêu Việt Nam vẫn còn nhiều |
Một số chuyên gia cho rằng, thị trường trước mắt chưa có động lực mới để thúc đẩy giá tiêu tăng lên. Tuy nhiên, giá tiêu trong nước đã hình thành vùng giá mới và khó giảm thêm so với ngưỡng giá hiện tại.
Thời gian tới, giá tiêu có thể phá đỉnh 250.000 đồng/kg - mức cao nhất của chu kỳ giá tiêu cách đây 10 năm. Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPSA), hiện mặt bằng giá tiêu Việt Nam vẫn còn khá thấp so với giá tiêu các nước sản xuất lớn khác. Do đó, dư địa tăng của giá tiêu Việt Nam vẫn còn tương đối nhiều.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê - cho hay, hiện, giá thành bình quân sản xuất của người trồng hồ tiêu hiện nay dao động quanh mức 60.000 - 70.000 đồng/kg do chi phí vật tư và các chi phí khác đều tăng cao. Như vậy, giá bán hiện nay đang cao hơn gấp đôi so với giá thành sản xuất.
Cung thấp hơn cầu là nguyên nhân khiến xu hướng giá tăng diễn ra tại tất cả các thị trường, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế, hiện giá hồ tiêu trong nước còn đang thấp hơn cả giá hồ tiêu các nước.
Dù không tăng như kỳ vọng, nhưng với mức giá như hiện nay cũng là niềm mơ ước của người trồng tiêu. Giá tiêu tăng từ đầu năm đến nay, đáng chú ý có thời điểm lên gần 200.000 đồng/kg nên nông dân nhiều khu vực tập trung cải tạo vườn tiêu hiện có. Một số nơi, nông dân có vườn tiêu già cỗi đã mạnh dạn đầu tư trồng mới hoặc nhân rộng diện tích so với trước.
Ông Hoàng Phước Bính cho hay, cùng với hồ tiêu, hiện nay, cây sầu riêng và cà phê giá cũng rất hấp dẫn nên bà con cũng không mở rộng diện tích trồng tiêu. Tuy nhiên, với mức giá tiêu đạt trên 120.000 đồng/kg, đây cũng là cơ sở để bà con chuyển sang trồng mới loại cây được ví như “vàng đen” này. Tuy nhiên, kỹ thuật trồng hồ tiêu khó hơn các cây trồng công nghiệp khác, nên nếu ai không hiểu biết thì sẽ khiến tiêu chết hàng loạt. Do đó, bà con cũng cần cẩn trọng trong việc mở rộng diện tích.
Về việc này, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cũng khuyến cáo người dân, trước khi cải tạo hoặc mở rộng diện tích trồng cây tiêu, bà con nên kiểm tra lại diện tích vườn có phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây tiêu hay không.
Trên những vườn tiêu có cây trồng chết nhiều trước đây thì không nên mở rộng và tự ý trồng mới, phải thực hiện cải tạo đất trước khi trồng; cần tìm hiểu trồng các loại giống tốt, giống chuẩn để có được sản phẩm tốt cho thị trường sau này.
Đặc biệt, người dân nên phát triển cây trồng theo định hướng sinh học, hữu cơ để đảm bảo hệ sinh thái chung cho đất, trả lại đất nguồn dinh dưỡng để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt thì sẽ bền vững hơn so với dùng thuốc hóa học trước đây.
Giá tiêu được kỳ vọng sẽ được trợ lực bởi sức mua tăng từ thị trường Trung Quốc vào khoảng quý III này. Mặt khác, đây đang được nhận định là thời điểm khan hàng khi vụ thu hoạch hồ tiêu của Việt Nam đã kết thúc trong khi đó, tại Brazil chưa tới vụ, còn tại Indonesia và Malaysia chính vụ vào khoảng tháng 7.Nhưng thực tế, giá tiêu thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Lượng tiêu xuất khẩu qua Trung Quốc vẫn rất thấp so với các năm.
Nhiều chuyên gia ngành hàng và doanh nghiệp kinh doanh tiêu lớn trên thế giới cảnh báo Brazil đang đứng trước nguy cơ sụt giảm sản lượng xuất khẩu năm thứ 3 liên tiếp do mất mùa.
Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới, và hiện đang là khách hàng lớn nhất của ngành hồ tiêu của Brazil. Quốc gia Nam Mỹ này xếp thứ hai thế giới sau Việt Nam, chiếm 17 - 18% nguồn cung tiêu toàn cầu.
Do đó, tình trạng mất mùa liên tục tại Brazil sẽ gây ra tác động lan toả trên toàn cầu, dự kiến sẽ thúc đẩy giá tiêu toàn cầu tăng lên những tháng cuối năm nay khi nguồn cung tiêu từ các nước sản xuất lớn khác như Việt Nam, Malaysia, Indonesia… cũng đều suy giảm đáng kể.
Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong nửa đầu tháng 7/2024, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 9.993 tấn, thu về 56,5 triệu USD.
Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu bao gồm: Olam Việt Nam: 1.272 tấn, Phúc Sinh: 1.224 tấn; Simexco Đăk Lăk: 839 tấn, Nedspice Việt Nam: 796 tấn và Trân Châu: 649 tấn.
Trước đó, 16 ngày đầu tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 16.211 tấn hồ tiêu. Như vậy xuất khẩu nửa đầu tháng 7/2024 giảm sâu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu 746 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 4,5 triệu USD.
Theo thống kê của VPSA, tính đến hết tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 142.586 tấn hồ tiêu các loại, giảm 6,8% về lượng nhưng lại tăng 30,5% về kim ngạch. Trong đó, lượng tiêu đen xuất khẩu đạt 125.959 tấn, tiêu trắng đạt 16.627 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 634,2 triệu USD, tiêu đen đạt 539,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 94,3 triệu USD.
Cùng với đó, Việt Nam đã nhập khẩu 18.002 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 16.357 tấn, tiêu trắng đạt 1.645 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 69,6 triệu USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba quốc gia cung cấp hồ tiêu chủ yếu cho Việt Nam bao gồm: Brazil đạt 7.241 tấn, giảm 22,3%; Campuchia đạt 6.212 tấn, tăng 34,5%; Indonesia đạt 2.991 tấn, tăng 67,3%.
Các chuyên gia nhận định, sau một thời gian bị “nhiễu sóng”, thì thị trường đang về điểm cân bằng, giá tiêu đang ở mức mà thị trường cả người bán và người mua đều cho là hợp lý.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung vẫn tiếp tục dự báo giảm do các yếu tố thời tiết, mùa vụ, các chuyên gia dự báo, về dài hạn trong 3 - 5 năm tới, lượng hồ tiêu sản xuất ra chưa thể đáp ứng được cho nhu cầu tiêu dùng của thế giới. Do đó, ngành hồ tiêu Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để phát triển và duy trì đà tăng như hiện nay.