Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 19/12/2024 21:31
Tin nóng:
Đẩy mạnh bán hàng thông qua hình thức livestream
Từng bước tháo gỡ khó khăn trước áp lực cạnh tranh với xu thế bán hàng mới, trung tuần tháng 12 vừa qua, tại chợ Quán Toan, quận Hồng Bàng, Sở Công Thương Hải Phòng tổ chức phát động Chợ livestream bán hàng, thu hút gần 200 tiểu thương.
Chị Đào Thị Lan bán hàng gốm sứ tại chợ Quán Toan bày tỏ: Tôi thấy chương trình Chợ livestream bán hàng rất hữu ích, giúp chúng tôi hiểu hơn về thương mại điện tử, cũng như nâng cao nhận thức, hiểu về luật kinh doanh trên môi trường điện tử; kỹ năng bán hàng để nâng cao uy tín, thương hiệu. Thông qua hình thức bán hàng trực tuyến (livestream) thu hút người dân đến tham quan, mua sắm tại các chợ truyền thống nhiều hơn.
Sở Công Thương Hải Phòng hỗ trợ các hộ kinh doanh, sản xuất, hợp tác xã xúc tiến thương mại. |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Minh Sơn - Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng đánh giá: Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc kết hợp kinh doanh giữa chợ truyền thống và các hình thức bán hàng trực tuyến như livestream không chỉ là một bước tiến mới mà còn là yêu cầu tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng dễ dàng tiếp cận sản phẩm chất lượng tại các chợ truyền thống.
Theo đó, ngày 18/10/2024 Sở Công Thương Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 3953/KH-SCT về tổ chức chương trình ứng dụng thanh toán số và thương mại điện tử tại chợ truyền thống trên địa bàn thành phố nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố thông qua hình thức bán hàng trực tuyến. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ tiểu thương nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh hàng ngày.
Để bán hàng thông qua hình thức livestream hiệu quả, ông Võ Văn Khanh - Phụ trách dự án chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử trong chợ truyền thống ở Việt Nam (Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam) cho rằng: Việc tổ chức Chợ livestream bán hàng là cần thiết để giúp bà con tiểu thương tại các chợ truyền thống cập nhật kiến thức, kỹ năng thích ứng và áp dụng các giải pháp thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Ông Võ Văn Khanh nhấn mạnh: Để tăng sự lan tỏa, thu hút, giới thiệu quảng bá về các sản phẩm tiêu biểu tại các chợ của thành phố đến người dân và khách du lịch, cũng như mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia các sản phẩm, hàng hóa phải đáp ứng đủ các điều kiện nhãn mác, các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm; có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mang lại niềm tin cho khách hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử cần tận dụng tối đa các lợi thế sẵn có, đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho khách hàng, đón bắt nhu cầu của người tiêu dùng các dịp lễ, Tết... - ông Võ Văn Khanh gợi ý.
Chị Thủy, tiểu thương tại quận Lê Chân, TP. Hải Phòng bán hàng trực tuyến (livestream). |
Đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử
Cùng với Sở Công Thương, thời gian qua Bưu điện Hải Phòng tích cực hỗ trợ các hộ nông dân đăng ký tài khoản và mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về cách thức bán hàng trực tuyến, cách chụp ảnh, viết mô tả sản phẩm hấp dẫn và tối ưu hóa gian hàng; các kỹ năng cơ bản về marketing, chăm sóc khách hàng, giúp nông dân tự tin hơn khi bán hàng online.
Điển hình như trước đây, các gia đình: Chị Nguyễn Thị Oanh ở thôn 5, chuyên trồng chuối; hộ anh Nguyễn Văn Khuê, ở thôn 6 trồng na nhiều thứ 2 của xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng chủ yếu tiêu thụ sản phẩm qua các thương lái hoặc bán tại chợ truyền thống. Nhờ cán bộ Bưu điện huyện Thủy Nguyên phối hợp Hội Nông dân huyện đến xã trực tiếp hướng dẫn, đào tạo cho bà con nông dân biết cách đăng ký tài khoản người bán người mua; liên kết tài khoản của mình với tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch thanh toán; cách thức chụp ảnh và đưa hình ảnh kèm thông tin nông sản lên sàn thương mại điện tử …
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương chị Nguyễn Thị Oanh - cho hay: Trên địa bàn xã An Sơn nhiều hộ trồng chuối, riêng gia đình tôi trồng gần ha chuối, đến mùa thu hoạch thường các thương lái đến mua hoặc bán ở các chợ truyền thống cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhờ có thêm kênh tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, gia đình bán trực tiếp sản phẩm cho các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến ở các tỉnh, thành phố cả nước được giá thành cao hơn.
Đến nay, toàn huyện Thủy Nguyên có 1.141 hội viên nông dân đăng ký tài khoản trên sàn thương mại điện tử, với 42 sản phẩm đạt chuẩn OCOP đang giao dịch. Trong đó, nhiều sản phẩm được người tiêu dùng thành phố và trong nước đón nhận như: Mật ong, chuối xã An Sơn; dưa kim hoàng hậu xã Kênh Giang; cá vược, cá trắm một nắng ở xã Lập Lễ;…
Giám đốc Bưu điện TP. Hải Phòng - Đoàn Trung Tuyến thông tin, năm 2025 và những năm tiếp theo, đơn vị sẽ hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu để tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác và chế biến an toàn cho nông dân; khuyến khích và hỗ trợ các hộ nông dân, hợp tác xã phát triển thêm các sản phẩm chế biến từ nông sản như mứt, trái cây sấy, trà thảo mộc... để tăng thêm lựa chọn cho khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh của hàng nông sản Hải Phòng trên sàn thương mại điện tử để sản phẩm, hàng hóa của bà con đến được với đông đảo khách hàng trong và ngoài nước.
Bưu điện Hải Phòng cũng đưa ra các giải pháp vận chuyển nhanh chóng và tiết kiệm chi phí, bảo đảm sản phẩm, hàng hóa được giao tận tay khách hàng nhanh chóng, giữ được chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó, Bưu điện Hải Phòng phối hợp các cơ quan liên quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hội Nông dân thành phố; các tổ chức phi chính phủ triển khai các dự án nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho bà con nông dân… - ông Đoàn Trung Tuyến nhấn mạnh.