Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ hai 28/04/2025 19:33
Tin nóng:
Phát hiện nhiều vụ vi phạm
Thời điểm giáp Tết, thị trường hàng hóa nói chung, thực phẩm nói riêng lại sôi động kinh doanh mua bán... Cùng với đó, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó đáng lo ngại là mặt hàng thực phẩm tươi sống, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia không rõ nguồn gốc được tiêu thụ nhiều trong dịp này, kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Tại Thủ đô Hà Nội, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm Hà Nộị, trong dịp trước Tết năm nay, tính từ ngày 15/12/2024 đến 10/1/2025, tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra là 6.829 cơ sở. Qua đó, phát hiện 1.001 cơ sở vi phạm và tiến hành xử phạt 954 cơ sở với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng, đồng thời nhắc nhở 30 cơ sở và đang tiếp tục xử lý vi phạm với 17 cơ sở.
Một trong những vụ việc gây xôn xao trong thời gian qua là chiều 2/1, đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm số 1 của TP Hà Nội kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết. Tại cơ sở sản xuất bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh (địa chỉ 11 Hàng Than, quận Ba Đình) qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng loạt vi phạm về an toàn thực phẩm của cơ sở này.
Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh có 5 nhân công lao động sản xuất và 1 chủ cơ sở. Qua kiểm tra, khu vực sản xuất của cơ sở được tận dụng trong gian bếp sinh hoạt của gia đình, không phân khu riêng biệt, sắp xếp lộn xộn và xuống cấp nghiêm trọng. Nền nhà khu vực bếp bong tróc, ẩm mốc, cống rãnh hở, ứ đọng rác…
Ngay sau đó, UBND quận Ba Đình đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở này số tiền 40 triệu đồng…
Tiếp đó, 7/1/2025, Phòng Cảnh sát kinh, tế Công an TP Hà Nội phối hợp thanh tra sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP. Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sơ chế, kinh doanh thực phẩm đông lạnh Minh Quý, có địa chỉ tại thôn Làng Kim 1, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội cất giấu hơn 3 tấn thực phẩm đông lạnh các loại. Tất cả các sản phẩm đông lạnh đều không rõ nguồn gốc, nhiều sản phẩm đã bốc mùi hôi thối.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Trước thực trạng trên, mới đây UBND TP. Hà Nội đã có công văn về việc tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, lễ hội Xuân năm 2025.
Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định; truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong việc sử dụng phòng, chống ngộ độc thực phẩm, lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết và mùa lễ hội. Ngoài các phương thức truyền thông truyền thống, cần phải đổi mới và đẩy mạnh các phương pháp truyền thông trên các nền tảng số.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra liên ngành, chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn trước, trong và sau Tết, đặc biệt chú trọng đến các thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết, các kho phân phối, các chuỗi cung ứng thực phẩm, các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm xung quanh các địa điểm tổ chức lễ hội lớn.
Chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn trong việc khám, cấp cứu và điều trị, điều tra, xử lý để kịp thời khắc phục hậu quả, giảm thiểu ảnh hưởng khi có sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
Công an thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát chuỗi cung ứng thực phẩm, phát hiện các sai phạm và xử lý theo quy định của pháp luật; phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố và các sở, ngành trong công tác kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh và phân phối thực phẩm.
![]() |
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm. (Ảnh: Cục Quản lý thị trường Hà Nội) |
Tại Hà Nội khu vực phố cổ của quận Hoàn Kiếm được xem là địa chỉ sắm Tết sôi động nhất. Tại đây, không chỉ có người dân trong nước mà còn rất nhiều du khách nước ngoài tham gia hoạt động mua sắm. Bởi thế vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Duy Tùng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội (phụ trách địa bàn quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm dịp Tết Dương lịch, trước và sau Tết Nguyên đán, Đội đã tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, các điểm tập kết lương thực thực phẩm… Các địa điểm tập trung kiểm tra kiểm soát là chợ Đồng Xuân; các điểm tập kết thực phẩm tại phường Phúc Tân, Chương Dương. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác của quận để kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn tực phẩm.
Trước tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết đang trở thành vấn đề đáng lo ngại ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo với người tiêu dùng, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng trong việc chọn mua, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm. Hiện nay hàng hóa cung ứng Tết rất đa dạng, đầy đủ, do đó, người dân không nên tích trữ thực phẩm để tránh việc sử dụng thực phẩm bị quá hạn, ôi thiu... dễ gây ngộ độc.
Ngoài ra, người dân nên lựa chọn thực phẩm tại các cơ sở uy tín, chú ý tem nhãn rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, tránh mua ở các điểm bán hàng tự phát. Cùng với đó, nên mua rượu có nhãn mác rõ ràng, địa chỉ uy tín và uống có chừng mực.
Thời gian qua, người dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung bày tỏ lo ngại về vấn đề mất an toàn về sinh thực phẩm; mong muốn và đề nghị chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt, ngăn chặn thực phẩm bẩn len lỏi vào thị trường, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. |