Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 17/12/2024 17:53
Tin nóng:
Trung tâm thương mại tấp nập khách đi mua sắm Tết Cao điểm mua sắm Tết, nhân viên siêu thị làm việc hết công suất Thanh Hóa: Chợ Cửa khẩu Na Mèo tấp nập người dân mua sắm Tết |
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thời điểm này, nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động nguồn hàng, tăng sản lượng hàng Tết lên đến 30% so với năm 2024.
Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho hay, để đưa hàng hoá phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn trong dịp Tết, hoạt động phân phối hàng hóa được tổ chức đồng bộ với nhiều hình thức. Cụ thể, qua các kênh bán hàng truyền thống gồm: hệ thống 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn; tổ chức trên các kênh bán hàng đa phương tiện với 268 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các kênh bán hàng trực tuyến: qua điện thoại, website, ứng dụng mua hàng… của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn.
Đồng thời, triển khai các chương trình, hoạt động kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ đơn vị đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng kịp thời, đầy đủ trong dịp Tết 2025 như tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các chợ hoa xuân phục vụ Tết, các sự kiện, hội chợ do các Sở, ngành, đơn vị thực hiện.
Khuyến khích các doanh nghiệp phân phối tổ chức các chương trình khuyến mại, tham gia các hội chợ Tết phù hợp phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân.
Để chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân như kêu gọi các doanh nghiệp hưởng ứng chương trình khuyến mại tập trung quốc gia.
Cụ thể, các chuỗi hệ thống siêu thị như GO! Thăng Long, Mega Market Việt Nam đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi lớn áp dụng mức giảm từ 10-70% kéo dài xuyên suốt cuối năm đến lễ tết và các chương trình bốc thăm trúng thưởng cơ hội rút thăm trúng hơn 300 giải thưởng, với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng nhằm kích cầu mua sắm, góp phần phục hồi thị trường sau những biến động kinh tế năm 2024.
Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Hà Nội sẽ tổ chức hơn 30 hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: Diệu Anh |
Bên cạnh hình thức mua bán trực tiếp, hệ thống siêu thị BRGMart, Hapromart, Haprofood còn tập trung đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến qua App BRG Shopping, fanpage, hotline, thẻ khách hàng thân thiết BRG Elite… nhằm góp phần tăng kích cầu tiêu dùng trên địa bàn dịp Tết 2025.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội sẽ triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức các chợ hoa Xuân phục vụ Tết.
Theo kế hoạch, sẽ có hơn 30 hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm,… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp.
Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành phố để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết Ất Tỵ. Dự kiến mỗi sự kiện sẽ thu hút trên 100 gian hàng, với đa dạng sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường Tết từ các đơn vị tham gia.
Dự báo về nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết này, bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) - cho hay, nhu cầu tiêu dùng Tết năm nay dự kiến tăng khoảng 30%. Để bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới, ngay từ đầu tháng 10/2024, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp để lên kế hoạch nguồn cung sản phẩm các loại. Đồng thời, đã chủ động tăng sản lượng hàng Tết lên 30% so với cùng kỳ năm 2024.
Hiện doanh nghiệp có khoảng 20 mặt hàng bình ổn giá, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao. Bên cạnh đó, trên các kệ hàng, quầy hàng tại siêu thị trưng bày hợp lý, bắt mắt để người tiêu dùng thuận lợi lựa chọn. Đồng thời tung ra các chương trình khuyến mại với giá cả ưu đãi, hấp dẫn nhằm kích cầu nhu cầu mua sắm của người dân. “Chúng tôi cũng tích cực tham gia vào việc đưa hàng Việt về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ngoại thành Hà Nội để phục vụ Tết cho bà con” - bà Đỗ Tuệ Tâm thông tin.
Người tiêu dùng mua sắm hàng Tết tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông. Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.op mart Hà Đông, cho biết Co.op Mart Hà Đông mang đến thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 những mẫu giỏ quà kết hợp duyên dáng giữa cổ truyền và hiện đại, với giá đa dạng, dao động từ 99 nghìn đồng đến 1,4 triệu đồng, nhằm phục vụ mọi nhu cầu từ trưng bày đến biếu tặng cá nhân, đoàn thể;…
Co.op Mart Hà Đông cũng Triển khai Chương trình “Gắn kết tình thân - Tết xa thêm gần” với nhiều điểm mới đó là không dừng lại ở giỏ quà bánh kẹo, nhu yếu phẩm mà nhận đặt và giao các giỏ trái cây, thực phẩm tươi sống; khách hàng được chọn thời gian phù hợp nhất để siêu thị trao quà. Thời gian nhận và giao giỏ quà Tết từ nay đến hết 22/1/2025 nhằm 23 Âm lịch.
Bên cạnh đó, Co.op Mart Hà Đông hàng năm cũng thực hiện khoảng 2.000 chuyến hàng Tết để tặng các giỏ quà thiết yếu cho bà con vùng sâu, vùng xa, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.
Cùng với việc bán hàng truyền thống, kênh bán hàng thương mại điện tử cũng được đẩy mạnh triển khau. “Với hệ thống siêu thị Co.op Mart, chúng tôi có phòng chức năng ban thương mại điện tử, có bộ phận phụ trách dịch vụ nhận đơn online của khách. Chúng tôi nhận đặt hàng ở bất kỳ điểm nào để giao tới mọi nơi trên cả nước. Doanh số hàng online của chúng tôi tăng 50% cho thấy khách hàng dịch chuyển sang mua bán trực tuyến rất nhiều” - bà Nguyễn Thị Kim Dung thông tin.