Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 29/11/2024 00:16
Tin nóng:
Thủy sản Việt Nam trước cơ hội vàng xuất khẩu Xuất khẩu cao su Việt Nam thu về hơn 724 triệu USD Xuất khẩu khởi sắc ấn tượng, tạo đà tăng trưởng kinh tế |
Thương mại điện tử đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Đặc biệt là trong xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử nói chung hay thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng càng "bùng nổ".
Tháo gỡ "nút thắt" cho xuất khẩu trực tuyến
Ngày 22/5, Amazon Global Selling Việt Nam và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị “Thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2024 - Tinh hoa hàng Việt, cất cánh toàn cầu”.
Theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số, thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thương mại điện tử đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, trên thực tế mặc dù có tốc độ phát triển nhanh với nhiều thuận lợi, song phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới cũng đang gặp phải một số vướng mắc.
Tại hội nghị, phát biểu về việc chuyển đổi sang kinh doanh thương mại điện tử trực tuyến của các doanh nghiệp trong ngành, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, dệt may là ngành phát triển rất nhanh, là 1 trong 5 ngành có kết quả thương mại điện tử xuyên biên giới khá tốt. Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may được 12,5 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Dù vậy, các thương hiệu Việt vẫn còn ít tên tuổi xuất hiện trong bản đồ dệt may thế giới. Đây là điểm yếu của các doanh nghiệp.
“Để thương hiệu dệt may Việt Nam đến với người tiêu dùng thế giới, các doanh nghiệp dệt may Việt phải thay đổi nhiều, cả về phương thức xuất khẩu cũng như tăng cường chuyển sang thiết kế”, ông Cẩm nói.
Bên cạnh những thế mạnh vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định của doanh nghiệp cũng như sản phẩm Việt Nam. Đó là đa phần các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu B2B – sản xuất theo đơn đặt hàng lớn nên khi chuyển sang làm bán lẻ B2C thì thiếu kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thay đổi rất nhanh của khách hàng trên toàn cầu.
“Các doanh nghiệp Việt Nam thiếu kinh nghiệm hoàn chỉnh trong xuất khẩu bán lẻ trên môi trường trực tuyến”, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nhấn mạnh
Theo đó, Ông Gijae Seong khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xuất khẩu trực tuyến cần xác định đây là cuộc chơi dài hạn, phải đầu tư để có kế hoạch kinh doanh nghiêm túc, tức là không chỉ bán sản phẩm không, không chỉ là câu chuyện cạnh tranh về giá mà còn phải tạo giá trị cộng thêm bằng việc xây dựng thương hiệu.
Đồng thời cải thiện hơn kinh nghiệm xuất khẩu trực tuyến B2C, xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hạn bằng việc cải tiến sản phẩm dựa trên nhu cầu thị trường thay đổi nhanh chóng, xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững…
Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển Thương mại điện tử cho rằng để hóa giải những bất cập đối với nhiều doanh nghiệp khu vực phía Bắc: nguồn nhân lực về thương mại điện tử xuyên biên còn hạn chế; thiếu thông tin về xu hướng các quy định liên quan của thị trường nước ngoài,…
“Bên cạnh những hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy tiêu thụ nội địa các sản phẩm địa phương qua thương mại điện tử, thời gian qua, Cục đã phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai chuỗi các hoạt động liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử, đào tạo nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về thương mại điện tử cho các địa phương, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp Chuyển đổi số; quảng bá các sản phẩm đặc trưng địa phương trên Sàn Việt và các nền tảng số”, ông Thành chia sẻ.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam trên đà tăng trưởng mạnh
Phát biểu tại hội nghị bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chia sẻ rằng Việt Nam lọt top các nước tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới.
“Thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát mạnh mẽ và trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất khu vực và thế giới”, bà Huyền nói.
Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho rằng, thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7.400 tỷ USD vào năm 2025. Cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp có sự phát triển mạnh nhờ những cơ hội phát triển xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Sản phẩm Việt bán ra trên Amazon tăng 300%
Thông tin về tình hình 5 năm triển khai xuất khẩu trực tuyến qua Amazon, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam Gajae Seong cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam luôn tạo kỳ tích xuất khẩu xuyên biên giới khi chỉ trong vòng 5 năm (từ 2019 - 2023), số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh thu 1 triệu USD/năm trên Amazon đã tăng vọt gấp 10 lần.
Cùng với đó, số lượng sản phẩm do các đối tác bán hàng Việt Nam bán ra trên Amazon đã tăng hơn 300% trong 5 năm qua. Chỉ số tăng trưởng mạnh mẽ thể hiện sự linh hoạt, tinh thần chủ động vươn ra toàn cầu và sẵn sàng đa dạng hóa danh mục sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng quốc tế của doanh nghiệp địa phương.
Thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát mạnh mẽ và trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Ảnh minh họa |
Dữ liệu cũng trong 5 năm qua từ Amazon cho thấy, danh mục sản phẩm có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất từ các đối tác bán hàng Việt gồm: Sức khỏe và chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp.
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nhận định, đây là 5 xu hướng phát triển quan trọng của xuất khẩu thương mại điện tử Việt Nam trong 5 năm qua. Điều này cho thấy, sự linh hoạt, tinh thần chủ động vươn ra toàn cầu và sẵn sàng đa dạng hóa danh mục sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời củng cố vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trong lĩnh vực xuất khẩu qua thương mại điện tử.
"Không chỉ xuất khẩu sản phẩm các nhà xuất khẩu Việt Nam còn đầu tư phát triển thương hiệu, giúp họ có tăng trưởng dài hạn. Việt Nam đang là trung tâm sản xuất, một mắt xích cung ứng mới nổi của thương mại điện tử toàn cầu với những thế mạnh về năng lực sản xuất, tinh thần khởi nghiệp và tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng” - ông Gajae Seong khẳng định.