Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 16/04/2025 12:14
Tin nóng:
Infographic | Những thị trường xuất khẩu hải sản của Việt Nam Thị trường thời trang bền vững Bắc Âu: Việt Nam có cơ hội? Xuất khẩu vừng Việt Nam trước cơ hội lớn tại Bắc Âu |
Thị trường Bắc Âu: Động lực dẫn dắt chuyển đổi xanh toàn cầu
Bối cảnh thương mại toàn cầu đang chứng kiến những thay đổi sâu sắc. Làn sóng chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, cùng với đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của xu hướng chuyển dịch xanh và tiêu dùng có trách nhiệm trên khắp thế giới.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, bối cảnh này đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải đa dạng hóa thị trường, không chỉ về mặt địa lý mà còn phải thích ứng sâu sắc với các tiêu chuẩn và xu hướng mới, đặc biệt là các thị trường đề cao tính bền vững.
![]() |
Với xu hướng chuyển dịch xanh, tiêu dùng xanh toàn cầu, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và thích ứng với các thị trường bền vững. Ảnh minh họa |
Trong hành trình tìm kiếm thị trường mới, khu vực Bắc Âu (bao gồm Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan và Iceland) nổi lên như một điểm đến đầy tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức. Đây là khu vực đi đầu thế giới về chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và thị hiếu tiêu dùng có trách nhiệm. Việc hiểu rõ và đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về môi trường và xã hội tại đây không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
Chuyển đổi xanh và mục tiêu trung hòa carbon không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành ưu tiên chiến lược trọng tâm của các quốc gia Bắc Âu. Các nghiên cứu uy tín từ McKinsey chỉ ra rằng, quá trình chuyển đổi này có thể mang lại lợi ích kinh tế khổng lồ, đóng góp tới 140 tỷ USD vào GDP khu vực và tạo ra gần một triệu việc làm mới. Không dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu nội địa, các quốc gia này còn tham vọng trở thành những nhà xuất khẩu năng lượng sạch và công nghệ xanh hàng đầu thế giới.
Sự thành công của Bắc Âu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo không chỉ đến từ điều kiện tự nhiên ưu đãi từ nguồn gió ngoài khơi dồi dào của Đan Mạch, hệ thống sông hồ phong phú ở Na Uy và Phần Lan, đến năng lượng địa nhiệt mạnh mẽ của Iceland mà yếu tố quyết định nằm ở các chính sách quyết liệt và tầm nhìn chiến lược của chính phủ.
Cơ hội rộng mở từ thị trường tiêu dùng xanh và khắt khe
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, dù quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bắc Âu đang có xu hướng tăng trưởng tích cực trong những năm gần đây, nhưng kim ngạch vẫn ở mức khiêm tốn so với tiềm năng. Với đặc điểm là khu vực có thu nhập cao, trình độ dân trí phát triển và yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, môi trường cũng như đạo đức trong chuỗi cung ứng, Bắc Âu đang trở thành một "bài kiểm tra năng lực xanh" thực sự cho các doanh nghiệp Việt.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, muốn thâm nhập và trụ vững tại thị trường Bắc Âu, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chuyển mình từ tư duy “giá rẻ” sang tư duy “sản xuất có trách nhiệm”. Việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng xanh là điều kiện tiên quyết. Cụ thể, doanh nghiệp cần tối ưu hóa quy trình sản xuất nhằm giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc sinh học hoặc tái chế, tiết kiệm năng lượng, đổi mới bao bì theo hướng thân thiện môi trường và đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
![]() |
Chuyển đổi xanh và mục tiêu trung hòa carbon không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành ưu tiên chiến lược trọng tâm của các quốc gia Bắc Âu. Ảnh minh họa |
Đây không chỉ là xu hướng mang tính thời đại mà còn là tiêu chí then chốt được các nhà phân phối Bắc Âu đặt lên hàng đầu khi lựa chọn đối tác. Tư duy này cũng giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh khi mở rộng sang các thị trường có tiêu chuẩn tương tự như Nhật Bản, EU hay Canada.
Một trong những “giấy thông hành” quan trọng để vượt qua rào cản kỹ thuật của thị trường Bắc Âu chính là việc sở hữu các chứng nhận uy tín về môi trường và xã hội. Thay vì chờ đợi yêu cầu từ đối tác nhập khẩu, doanh nghiệp Việt nên chủ động tiếp cận, tìm hiểu và đăng ký các chứng nhận như: Nhãn sinh thái Bắc Âu (Nordic Swan); Tiêu chuẩn hữu cơ EU (EU Organic); Chứng chỉ thương mại công bằng (Fairtrade); Nhãn carbon thấp (Low Carbon Label); Tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14001.
Các chứng nhận này không chỉ giúp sản phẩm vượt qua hàng rào kỹ thuật mà còn nâng tầm giá trị thương hiệu Việt Nam trong mắt người tiêu dùng toàn cầu – những người ngày càng có xu hướng lựa chọn sản phẩm không chỉ vì giá cả, mà còn vì tính nhân văn và tính bền vững.
Bắc Âu hiện đang dẫn đầu thế giới về xu hướng tiêu dùng xanh, đặc biệt là đối với các sản phẩm hữu cơ, thực phẩm thuần chay, thực phẩm từ thực vật và các sản phẩm có nguồn gốc đạo đức. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam phát huy thế mạnh trong xuất khẩu nông sản nhiệt đới như rau quả hữu cơ, hạt điều, hồ tiêu, gạo hữu cơ, cà phê có chứng nhận, chế phẩm từ đậu nành, dừa...
Việc phát triển sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng không chỉ giúp doanh nghiệp thâm nhập thị trường dễ dàng hơn mà còn nâng cao giá trị gia tăng, mở rộng mạng lưới phân phối và tăng sức cạnh tranh dài hạn.
Một thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Bắc Âu chính là khoảng cách địa lý xa, dẫn đến chi phí logistics cao và thời gian vận chuyển dài. Để khắc phục điều này, doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào công nghệ chế biến sâu, bảo quản hiện đại như: Sấy lạnh; cấp đông nhanh; đóng gói thông minh, hút chân không; ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc. Những cải tiến này sẽ giúp kéo dài thời gian bảo quản, giảm tỷ lệ hư hỏng, duy trì chất lượng sản phẩm và giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng xuyên lục địa.
Không chỉ giới hạn ở ngành hàng tiêu dùng, các doanh nghiệp Việt cũng có thể mở rộng hợp tác với doanh nghiệp Bắc Âu trong các lĩnh vực công nghệ xanh, nơi Bắc Âu là khu vực tiên phong toàn cầu. Các lĩnh vực như năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối), công nghệ tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải và tái chế vật liệu là những hướng đi đầy tiềm năng.
Việc tham gia vào chuỗi giá trị công nghệ xanh không chỉ nâng cao trình độ kỹ thuật của doanh nghiệp Việt mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu tri thức, giải pháp kỹ thuật trong tương lai, khi Việt Nam không chỉ là nhà cung cấp hàng hóa mà còn là đối tác công nghệ đáng tin cậy.
Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn, mà là con đường tất yếu nếu doanh nghiệp Việt muốn khẳng định vị thế trên sân chơi toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường khó tính như Bắc Âu. Thách thức về chi phí đầu tư, thay đổi quy trình và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế là rất lớn, nhưng phần thưởng là cơ hội mở rộng thị trường, gia tăng giá trị thương hiệu và bắt kịp xu thế phát triển bền vững toàn cầu. Việc học hỏi và áp dụng các mô hình phát triển xanh từ Bắc Âu không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện năng lực nội tại, mà còn góp phần vào mục tiêu dài hạn: xây dựng một nền kinh tế xanh, tuần hoàn bao trùm cho Việt Nam trong thập niên tới. |