Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 10/05/2025 01:54
Tin nóng:
Việt Nam tham dự triển lãm thời trang denim quốc tế tại Bangladesh Cơ hội để doanh nghiệp thời trang Việt chinh phục Bắc Âu Thụy Điển thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thời trang |
Tiêu chuẩn cao
Nằm trong khối EU, Bắc Âu có tiêu chuẩn khá cao với hàng hóa, trong đó có sản phẩm thời trang. Những sản phẩm dệt may bền vững, có nguồn gốc từ nguyên liệu hữu cơ hoặc tái chế, được sản xuất theo quy chuẩn bảo vệ môi trường và quyền lợi của người lao động ngày càng chiếm lĩnh thị trường Bắc Âu.
Thỏa thuận xanh EU được thông qua năm 2019; Chiến lược dệt may bền vững và tuần hoàn được EU công bố tháng 2/2022 là những tuyên bố chính thức của EU về phát triển thời trang bền vững.
![]() |
Sợi sản xuất từ lá dứa - bước tiến mới của ngành nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam. Ảnh minh họa |
Mục tiêu chính của các chính sách này là giảm thiểu chất thải và ô nhiễm môi trường từ ngành dệt may; tăng cường sử dụng vật liệu bền vững như nguyên liệu tái chế hoặc hữu cơ.
Cùng đó, khuyến khích sản xuất các sản phẩm có độ bền cao và dễ dàng tái sử dụng; thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn thông qua các mô hình sản xuất, tiêu dùng, tái chế và tái sử dụng; xây dựng quy chuẩn nghiêm ngặt cho sản phẩm dệt may bán trên thị trường EU.
Tương tự, tại Bắc Âu, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm các nước Bắc Âu, việc tham gia vào thị trường thời trang bền vững không chỉ đòi hỏi sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, mà còn phải phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững mới.
Việc EU thúc đẩy Chiến lược dệt may bền vững mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng thời trang bền vững tại Bắc Âu đang ngày càng mạnh mẽ.
Cũng theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, Việt Nam có nhiều lợi thế để khai thác thị trường này, như nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào, bao gồm cả nguyên liệu hữu cơ phong phú như bông hữu cơ, tre, nứa, và lụa tự nhiên được người tiêu dùng Bắc Âu ưa chuộng. Đây là những nguyên liệu dễ phân hủy, không chứa hóa chất độc hại, phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường mà EU đang thúc đẩy.
Điều chỉnh mô hình sản xuất
Do diễn biến mới về thương mại toàn cầu, thay vì siết chặt, EU chuyển sang “mềm hóa” và giãn lộ trình thực hiện các quy định xanh. Nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời, EU bất cứ lúc nào cũng có thể quay lại lộ trình thực hiện thỏa thuận xanh. Do vậy, để giữ thị phần xuất khẩu tại EU doanh nghiệp dệt may trong nước được khuyến cáo điều chỉnh mô hình sản xuất.
Riêng tại Bắc Âu, để có thể tham gia thị trường thời trang bền vững, doanh nghiệp tận dụng tối đa có thể nguồn nguyên liệu xanh, thân thiện môi trường. Để làm được điều đó cần đầu tư vào các công nghệ sản xuất, vật liệu tái chế hoặc phát triển các sản phẩm có khả năng tái sử dụng cao. Việc tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm thiểu chất thải cũng là một yếu tố quan trọng.
![]() |
Phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước là cơ sở cho dệt may Việt Nam gia tăng giá trị sản phẩm. Ảnh minh họa |
Sử dụng các nguyên liệu truyền thống của Việt Nam như lụa tơ tằm, kết hợp với thiết kế hiện đại và kỹ thuật tiên tiến để tạo ra các sản phẩm thời trang cao cấp và bền vững.
Thương mại điện tử cũng là kênh quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Bắc Âu. Vì vậy, theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, việc tận dụng các nền tảng bán lẻ trực tuyến như Zalando, ASOS và các nền tảng chuyên về thời trang bền vững là chiến lược hiệu quả để giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng Bắc Âu.
Người tiêu dùng Bắc Âu đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc và câu chuyện của sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên xây dựng thương hiệu dựa trên câu chuyện về quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, kết hợp với văn hóa và nghệ thuật thủ công truyền thống Việt Nam. Điều này giúp tạo ra sự gắn kết với khách hàng và tăng cường nhận diện thương hiệu.
Mới đây, Tập đoàn Syre của Thụy Điển đã đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ nhằm triển khai thành công Dự án nhà máy tổ hợp sản xuất tái chế sợi polyester tại tỉnh Bình Định.
Dự án này, nếu thành công, không chỉ giúp Việt Nam trở thành trung tâm tái chế vải hàng đầu khu vực, mà còn mở ra cơ hội thu hút thêm nhiều doanh nghiệp dệt may châu Âu quan tâm đến đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực thời trang tuần hoàn và tái chế nguyên liệu.
Điều này cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp EU nói chung, doanh nghiệp Bắc Âu đang rất quan tâm tới ngành dệt may Việt Nam không chỉ ở mảng sản xuất cho xuất khẩu mà còn ở góc độ hợp tác đầu tư hai bên cùng có lợi.
EU là thị trường xuất khẩu rất quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may. 2 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang một số thị trường trong khối EU vẫn giữ vững phong độ. Trong đó, thị trường Thụy Điển tháng 2/2025 đạt 5,9 triệu USD, 2 tháng đầu năm đạt 14,4 triệu USD; Đan Mạch đạt 2,8 triệu USD và 10,6 triệu USD; Đức 40,8 triệu USD và 107 triệu USD; Hà Lan 64 triệu USD và 148 triệu USD; Italia 19,8 triệu USD và 47,5 triệu USD… |