Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 22/04/2025 00:25
Tin nóng:
Cao Bằng: Xây dựng thương hiệu gạo nếp ong Cao Bằng: Nhiều giải pháp tiêu thụ nông sản cho bà con dân tộc Mật ong Cao Bằng: ‘Gieo’ thương hiệu, ‘gặt’ đầu ra bền vững |
Từ việc đầu tư hạ tầng chợ, mở lớp tập huấn thương mại điện tử, tổ chức hội chợ đến truyền thông trên truyền hình quốc gia, những nỗ lực đó đang từng bước đưa nông sản địa phương đến gần hơn với thị trường trong và ngoài nước.
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thương mại vùng dân tộc thiểu số
Báo cáo mới nhất của Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng cho thấy, trong giai đoạn 2021 - 2025, Cao Bằng đã tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp mạng lưới chợ tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổng vốn đầu tư đạt hơn 100 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 35,2 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí hơn 65 tỷ đồng. Với nguồn lực này, tỉnh đã xây dựng mới 7 chợ và cải tạo, nâng cấp 17 chợ, góp phần hình thành hệ thống chợ nông thôn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế địa phương.
![]() |
Cao Bằng chú trọng đầu tư hệ thống phân phối tiêu thụ sản phẩm (Ảnh: Báo Nhân Dân) |
Hoạt động đầu tư hạ tầng chợ không chỉ cải thiện điều kiện kinh doanh, mua bán cho người dân mà còn nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khuyến khích trao đổi hàng hóa và thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa trong vùng dân tộc thiểu số.
Song song với đầu tư hạ tầng, Cao Bằng còn chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại, đào tạo và quảng bá sản phẩm. Trong 5 năm qua, tỉnh đã tổ chức 62 lớp tập huấn, bao gồm các khóa đào tạo về thương mại điện tử, phát triển nguồn nhân lực thương mại, kỹ năng kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm trực tuyến.
Cao Bằng cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc kết hợp hoạt động xúc tiến truyền thống và hiện đại. Tỉnh đã tổ chức 11 phiên chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm vùng cao, trong đó có các phiên chợ tại thành phố Cao Bằng và tham gia hội chợ tại thành phố Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc). Ngoài ra, Cao Bằng còn chủ trì một Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt – Trung tại địa phương, thu hút doanh nghiệp và khách hàng từ hai nước.
Trên mặt trận truyền thông, 10 phóng sự truyền hình quảng bá sản phẩm vùng cao đã được phát trên sóng VTV1 trong ba năm liên tiếp (2022–2024). Đồng thời, tỉnh phát hành 84.100 túi giấy và 3.600 ấn phẩm thông tin về sản phẩm, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vùng dân tộc thiểu số, góp phần giới thiệu nông sản Cao Bằng đến người tiêu dùng cả nước.
![]() |
Nhiều chương trình xúc tiến thương mại được tổ chức (Ảnh: Liên minh HTX Cao Bằng) |
Chia sẻ về những hoạt động này, bà Đồng Thị Kiều Oanh – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng cho biết, thời gian qua, Sở Công Thương Cao Bằng đã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm địa phương thông qua các hội chợ, các phiên chợ, triển lãm và các sự kiện của địa phương; nhân rộng các mô hình điểm bán hàng, nhất là tại các điểm du lịch của tỉnh để giúp các chủ thể giới thiệu và bán sản phẩm của mình cho du khách.
Chuyển biến tích cực, khơi thông thị trường tiêu thụ
Các giải pháp đồng bộ từ hạ tầng đến truyền thông, xúc tiến thương mại đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Chợ nông thôn tại Cao Bằng từng bước thay đổi diện mạo, trở thành nơi giao thương nhộn nhịp, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Các sản phẩm OCOP của tỉnh như miến dong, chè, mật ong, thảo dược… dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu riêng.
Hoạt động tập huấn, hội chợ và thương mại điện tử đã góp phần nâng cao năng lực tiếp thị, quảng bá cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân vùng dự án. Từ chỗ bị động trong cách bán hàng, nhiều nông dân đã biết chủ động livestream, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Ông Trần Đức Hiếu – Giám đốc Hợp tác xã nông sản Tân Việt Á chia sẻ, để tiêu thụ tốt các sản phẩm địa phương, ngoài đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói, hợp tác xã còn tham gia tích cực các hội chợ thương mại để tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng và có cơ hội làm việc với các đối tác là các nhà phân phối, xuất khẩu. Những hoạt động này đã và đang mang lại hiệu quả vô cùng tích cực.
![]() |
Các HTX trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tham gia các hoạt động kết nối cung cầu (Ảnh: Hợp tác xã nông sản Tân Việt Á) |
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Sở Công Thương Cao Bằng, hiện quá trình triển khai Chương trình cũng gặp không ít khó khăn. Các văn bản hướng dẫn từ Trung ương ban hành còn chậm, nhiều nội dung thiếu thống nhất, khiến địa phương gặp lúng túng trong thực hiện. Mức hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương chưa đáp ứng đủ nhu cầu; nhiều chợ được xây dựng từ lâu đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng.
Ngoài ra, do một bộ phận người dân chưa tiếp cận đầy đủ thông tin, việc vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại một số huyện tham gia các chương trình xúc tiến thương mại còn hạn chế. Tỉnh Cao Bằng hiện chưa có trung tâm hội chợ triển lãm, chưa có nơi tổ chức sự kiện thương mại quy mô lớn để giới thiệu nông sản một cách bài bản.
Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cấp thêm 31 công trình chợ, trong đó có 11 chợ mới và 20 chợ cải tạo. Song song đó, các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn, với loạt chương trình như Tuần hàng giới thiệu sản phẩm, Hội nghị kết nối giao thương trong và ngoài nước, truyền thông quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số và truyền hình.
Tỉnh cũng đề xuất Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư hạ tầng thương mại, đồng thời nâng mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về địa hình, hạ tầng và nguồn lực, những nỗ lực mà Cao Bằng đã thực hiện để tìm đầu ra cho nông sản miền núi là rất đáng ghi nhận. Từ việc cải thiện cơ sở vật chất đến xúc tiến thương mại hiện đại, tỉnh đang tạo nền tảng để đưa nông sản vùng cao vươn xa, đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương và đời sống bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số. |