Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 22/12/2024 13:58
Tin nóng:
Bắc Kạn: Phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu Quản lý thị trường Bắc Kạn tăng cường phối hợp và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ |
Dong riềng là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Cây trồng này được đánh giá có năng suất cao, thích hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và là cây trồng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả cho người dân. Tuy nhiên, theo thống kê của UBND huyện Na Rì, có những thời điểm, diện tích trồng dong riềng của huyện giảm dần như: Năm 2021, diện tích dong riềng toàn huyện là 259ha, năm 2022 giảm còn 243ha, năm 2023 con số này chỉ còn 176ha. Trong khi mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/HU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Na Rì về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra là trồng 300ha cây dong riềng/năm. “Giảm diện tích cũng như sản lượng dong riềng dễ dẫn đến nguy cơ mất thương hiệu miến dong của địa phương” - lãnh đạo UBND huyện Na Rì cho hay.
Nguyên nhân của vấn đề này, được các ngành chức năng huyện Na Rì chỉ rõ là do thiếu nguồn lao động, giá cả bấp bênh, lợi nhuận củ dong không nhiều, chưa tương xứng với công sức. Đặc biệt, sự chênh lệch lợi nhuận trong chuỗi cung ứng sản xuất củ dong, bột dong và miến dong dẫn đến việc liên kết giữa đơn vị sản xuất và một số hộ chưa thực sự bền chặt, ổn định, chưa hài hòa về lợi ích.
Trước thực tế đó, huyện Na Rì đã chủ động xây dựng vùng sản xuất cây dong riềng ổn định, cho năng suất cao và hướng tới sản xuất bền vững, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Đồng thời, xây dựng và hình thành liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nông). Duy trì sự bền vững giữa các cơ sở sản xuất với người dân, gắn kết từ yếu tố đầu vào với sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Người dân thu hoạch củ dong riêng. Ảnh: Thành Đạt |
Không chỉ riêng Na Rì, giải quyết bài toán về liên kết phát triển vùng dong riềng là nhiệm vụ đặt ra đối với tỉnh Bắc Kạn. Để tạo mối quan hệ bền chặt đó, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ cho các cơ sở hợp tác xã sản xuất, chế biến dong riềng. Giai đoạn 2021 - 2025, từ Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã hỗ trợ cho Hợp tác xã Tài Hoan, Hợp tác xã Việt Cường, Hợp tác xã Công Thành Phát (huyện Na Rì) tham gia vào Dự án liên kết và tiêu thụ sản phẩm dong riềng. Đây cũng là cách để người dân và hợp tác xã xây dựng được chuỗi liên kết hiệu quả, lâu dài. Đến nay, cả tỉnh có hơn 200ha diện tích thâm canh cây dong riềng gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Tham gia vào Dự án liên kết và tiêu thụ sản phẩm dong riềng, Hợp tác xã Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì là một trong những đơn vị sản xuất miến dong có công suất hoạt động quy mô ở địa phương. Bình quân mỗi năm đơn vị tiêu thụ hơn 4.000 tấn củ dong, giải quyết việc làm cho từ 30 - 50 lao động. Để duy trì việc sản xuất, hằng năm hợp tác xã đã liên kết với các hộ dân phát triển vùng nguyên liệu như cho ứng trước vật tư, hỗ trợ kỹ thuật. Đến nay, hợp tác xã đang liên kết với hơn 500 thành viên trồng được 70ha cây dong riềng tại các xã Côn Minh, Cư Lễ, Trần Phú... Bằng cách này, nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhu cầu sản xuất của hợp tác xã luôn đảm bảo.
Tương tự, HTX Việt Cường, xã Văn Lang, huyện Na Rì cũng tập trung mở rộng diện tích trồng dong riềng từ 15ha (năm 2022) lên 17,45ha (năm 2024) với sản lượng đạt 1.400 tấn. Ông Bàn Như Mộc, Giám đốc Hợp tác xã Việt Cường - cho biết, nhằm tăng sản lượng củ dong riềng, chất lượng tinh bột dong, giữ vững thương hiệu miến dong Tân An, hợp tác xã đã phối hợp với UBND huyện Na Rì xây dựng những tiêu chí về chất lượng sản phẩm như: Nguồn nguyên liệu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng các loại hóa chất, chất tạo màu, giữ màu sắc và hương vị tự nhiên… Hợp tác xã cũng đề ra kế hoạch và giải pháp mang lại lợi nhuận, thu nhập ổn định cho người dân, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và vùng lân cận thông qua liên kết mở rộng vùng trồng cây nguyên liệu…
Hợp tác xã sản xuất miến dong Tài Hoan. Ảnh: Thành Đạt |
Theo ông Hoàng Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn, liên kết trong trồng và sản xuất dong riềng những năm gần đây đã có chuyển biến hơn so với thời gian trước. Diện tích trồng dong riềng đã phản ánh thực tế về khả năng chế biến miến và tiêu thụ củ dong.
Bên cạnh đó, ở một số địa phương trong tỉnh, vai trò của các hợp tác xã trong liên kết sản xuất đã được minh chứng rõ ràng đó là muốn có sản phẩm miến đạt chất lượng thì phải có vùng nguyên liệu đủ về diện tích và đảm bảo năng suất. “Muốn như vậy thì việc liên kết sản xuất của các hợp tác xã với người trồng dong cần rõ ràng, minh bạch và cùng có lợi” - ông Hoàng Thanh Bình khẳng định
Để việc liên kết trồng, sản xuất, chế biến dong riềng đi vào ổn định, thời gian tới cần có sự quan tâm tích cực hơn từ phía chính quyền các cấp, tạo điều kiện cho người dân trồng dong tham gia vào các chương trình, dự án liên kết để thúc đẩy sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ nguồn cung ứng bột dong trong sản xuất, không để người làm miến nhập bột từ nơi khác về sản xuất để giữ thương hiệu, chất lượng.
Đồng thời các hợp tác xã, cơ sở sản xuất miến cần tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất chế biến, đặc biệt theo chuỗi tuần hoàn như sử dụng phụ phẩm bã củ dong chế biến thành phân bón cung cấp lại cho nông dân, qua đó tiết kiệm được chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, người nông dân cũng cần chia sẻ với hợp tác xã, cơ sở chế biến để cùng có tiếng nói hài hoà, từ đó chuỗi liên kết mới thật sự bền vững.