Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 11:09
Tin nóng:
Bắc Kạn xác minh, làm rõ thông tin cho trẻ mầm non uống sữa ‘không đạt tiêu chuẩn’ Bắc Kạn: Đẩy mạnh phát triển thương mại, tạo cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng |
Bắc Kạn đã có 218 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Riêng với Bắc Kạn là một tỉnh miền núi, kinh tế chủ yếu là nông lâm nghiệp, đây là một thách thức nhưng cũng là lợi thế nếu biết cách phát huy trong phát triển kinh tế với nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng như: Gạo bao thai, gạo nếp nương, miến dong, cam quýt, bí xanh thơm, rượu men lá... Ngoài các sản phẩm đặc trưng về văn hóa ẩm thực, còn có các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như dệt thổ cẩm, đan lát,...
Theo báo cáo của Sở Công Thương Bắc Kạn tại tọa đàm “Kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối hiện đại ở nước ngoài” do Bộ Công Thương tổ chức vừa qua, xác định thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” là một giải pháp thực hiện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thực hiện nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo quyết liệt trong quá trình tổ chức thực hiện.
Nhiều sản phẩm OCOP Bắc Kạn đã có chỗ đứng trên thị trường và trở thành hàng hóa được đông đảo người tiêu dùng ưa thích. Ảnh: N.L |
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có 218 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao đã được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc là sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan (huyện Na Rì); 18 sản phẩm OCOP 4 sao và 199 sản phẩm OCOP 3 sao. Nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường và trở thành hàng hóa được đông đảo người tiêu dùng ưa thích.
Nhằm tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP, lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Kạn xác định xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP ngày càng đóng vai trò quan trọng. Thời gian qua, các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP được tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện và đạt những kết quả tốt.
Theo đó, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP đã được đẩy mạnh triển khai bằng nhiều hình thức như: Tổ chức, tham gia hội chợ, hội nghị, chương trình kết nối giao thương trong và ngoài nước.
Cụ thể như, tổ chức gian hàng của tỉnh tham gia hội chợ, triển lãm trong nước tại các tỉnh, thành phố lớn: Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Tuyên Quang, Hà Giang, Bình Thuận, Điện Biên, Nghệ An, Phú Thọ, Ninh Bình, Lào Cai…
Năm 2022, tỉnh cũng tổ chức sự kiện xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm tỉnh Bắc Kạn từ ngày 01/6 đến ngày 3/6/2022; năm 2023: Tổ chức thành công Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc - Bắc Kạn và chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại diễn ra từ ngày 24/11 đến ngày 30/11/2023; năm 2024 tổ chức Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc từ ngày 24/8 đến ngày 28/8/2024. Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho các sản phẩm OCOP cũng được quan tâm triển khai thực hiện thông qua việc tổ chức và tham gia hội nghị kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh các hình thức xúc tiến truyền thống thì các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số được ngành, các tổ chức, doanh nghiệp triển khai tích cực. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại đạt được những kết quả nhất định: Năm 2023, Sở đã hỗ trợ tư vấn mở gian hàng và chăm sóc gian hàng trên sàn thương mại điện tử: https://www.shopee.vn, https://www.sendo.vn, https://lazada.vn, sàn thương mại điện tử địa phương https://backanmarket.vn cho nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tiếp đó, năm 2024, Sở tiếp tục hỗ trợ cho các thương nhân tham gia sàn thương mại điện tử trong nước: Shopee.vn, backanmarket.vn và được hỗ trợ cấp tài khoản tham gia khóa học trực tuyến “Bán hàng online cho người mới bắt đầu làm hiệu quả ngay”.
Ngoài ra, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 19 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nông sản địa phương tại hầu hết các huyện, thành phố. Các điểm bán hàng nông sản, sản phẩm OCOP đã chủ động ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh trong phân phối, tiếp thị quảng bá, hình thành hệ thống xúc tiến thương mại, tăng doanh thu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu
Đánh giá về hiệu quả của các hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Kạn cho biết, hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy hợp tác giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, nhận thức và hành động của các tổ chức kinh tế đã có sự quan tâm, chuyển biến rõ rệt. Hàng hoá sản xuất đảm bảo quy định, tiêu chuẩn yêu cầu, bước đầu sản xuất theo hướng hàng hoá, đáp ứng về chất lượng, số lượng hàng hóa theo yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh những thuận lợi, lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Kạn cũng chỉ ra, công tác xúc tiến thương mại vẫn còn nhiều hạn chế như các chủ thể thiếu thông tin thị trường, chưa nắm bắt được thông tin về nhu cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng, dẫn đến khó khăn trong việc định hướng sản xuất và tiêu thụ. Nhiều sản phẩm OCOP chưa được xây dựng thương hiệu rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong việc cạnh tranh với sản phẩm tương tự từ các địa phương khác. Các thương nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đa số có quy mô nhỏ, thiếu kinh phí để triển khai mua sắm các phần mềm ứng dụng vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, từ những kết quả đã đạt được, tỉnh Bắc Kạn định hướng phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP như sau:
Thứ nhất: Phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu: Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể kinh tế nâng cấp, hoàn thiện về sản phẩm, tập trung đổi mới và cải thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật, mở rộng vùng nguyên liệu; nâng cao chất lượng sản phẩm...
Tập trung rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống.
Thứ hai: Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa được giới thiệu, bày bán tại Chương trình kết nối tiêu dùng, điểm bán hàng OCOP, hội chợ và hàng hóa lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chất lượng hàng hóa theo quy định để giữ vững uy tín của sản phẩm gắn thương hiệu OCOP.
Thứ ba: Hỗ trợ chủ thể OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, hợp tác kinh doanh, phối hợp liên kết sản xuất sản phẩm OCOP.
Thứ tư: Nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số; từng bước xây dựng, số hóa và cập nhập thường xuyên dữ liệu cung và cầu hàng hóa.