18:09 | 17/11/2024
Từ tháng 1/2024, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chính thức triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN). Đây được xem là một bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa quản lý ngành thủy sản, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đảm bảo chất lượng sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành thủy sản
Việc áp dụng hệ thống eCDT VN đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng trong ngành thủy sản Việt Nam. Ứng dụng này không chỉ giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực với cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ rất thuận lợi trong việc xin cấp các giấy tờ truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu (SC, CC). Hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh thương hiệu uy tín, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.
![]() |
eCDT VN sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thuận lợi trong việc xin cấp giấy tờ truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu. Ảnh: N. Lân |
Việc mở tờ khai xin cấp SC, CC trên hệ thống được thuận tiện, nhanh chóng và chính xác, tránh được các sai sót thường gặp khi thực hiện trên giấy, thậm chí doanh nghiệp không cần đến cảng cá, chi cục thủy sản để thực hiện các thủ tục như hiện nay.
Với cơ quan quản lý, hệ thống eCDT VN giúp cơ quan quản lý theo dõi, giám sát hoạt động khai thác thủy sản một cách chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm. Tất cả các thông tin về hoạt động khai thác, sản lượng, xuất nhập khẩu đều được lưu trữ trên hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá.
Ngoài ra, với ngư dân có thể thực hiện các thủ tục xuất, nhập bến một cách nhanh chóng và thuận tiện ngay trên thiết bị di động, không cần phải đến trực tiếp cảng cá. Việc ghi nhật ký khai thác trên giấy được thay thế bằng hệ thống điện tử, giúp loại bỏ sai sót và đảm bảo tính chính xác của thông tin.
Giám sát sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác
Một số tỉnh cũng đã đồng loạt tổ chức triển khai hệ thống, trong đó, nhiều tỉnh dẫn đầu về kết quả thực hiện như Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Đà Nẵng, Khánh Hòa.
Khánh Hòa là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN), góp phần quan trọng vào việc hiện đại hóa quản lý ngành thủy sản và đảm bảo chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu.
Từ ngày 25/2/2024, các tàu cá hoạt động tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã bắt đầu áp dụng hệ thống eCDT. Đến nay, tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể: Hơn 3.289 lượt tàu đã xuất cảng và 2.894 lượt tàu đã cập cảng thông qua hệ thống eCDT. Đã cấp 762 biên nhận bốc dỡ thủy sản, 67 xác nhận thủy sản khai thác và 2 chứng nhận thủy sản khai thác trên hệ thống. Đã có 197 tài khoản trên hệ thống eCDT được cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến hải sản, hướng dẫn cài đặt ứng dụng eCDT cho hàng trăm chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh…
Trong thời gian tới, Khánh Hòa sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai hệ thống eCDT, nhằm mục tiêu 100% các hoạt động xác nhận xuất, nhập bến của tàu cá; kiểm soát thống kê sản lượng qua cảng cá; cấp biên nhận bốc dỡ sản phẩm thủy sản qua cảng; cấp xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và chứng nhận nhận thủy sản khai thác đều được thực hiện trên hệ thống.
Việc triển khai hệ thống eCDT mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Qua đó, các cơ quan chức năng có thể dễ dàng theo dõi, giám sát hoạt động khai thác thủy sản, từ đó đưa ra các quyết sách quản lý phù hợp. Tất cả các thông tin về nguồn gốc, quá trình khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy sản đều được ghi nhận và lưu trữ trên hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá.
Bên cạnh đó, hệ thống giúp ngăn chặn các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản quốc gia. Việc áp dụng hệ thống eCDT góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu thủy sản Việt Nam sạch, an toàn và có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) cũng đối mặt với một số khó khăn và hạn chế. Theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình triển khai hệ thống eCDT còn gặp phải một số vấn đề như triển khai hệ thống tại các địa phương chưa đồng đều, dẫn đến tình trạng chồng chéo, gây khó khăn cho người sử dụng. Nhiều ngư dân, đặc biệt là những người lớn tuổi hoặc ít tiếp xúc với công nghệ, gặp khó khăn trong việc làm quen và sử dụng ứng dụng eCDT. Tại một số địa phương, hạ tầng mạng internet chưa ổn định, gây ảnh hưởng đến việc truy cập và sử dụng hệ thống.
Để triển khai Hệ thống có hiệu quả, toàn chuỗi và đồng bộ trên cả nước, theo lãnh đạo Cục Thủy sản, cần bổ sung cơ chế pháp lý, chỉ đạo đồng bộ ở các địa phương, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin tại cảng cá và các tính năng của hệ thống, tăng cường tập huấn và truyền thông, cũng như có các biện pháp xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy định.
Báo cáo của Cục Thủy sản về kết quả thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử cho thấy, tính đến ngày 22/10/2024, đã có 26/28 tỉnh triển khai thực hiện với 80 cảng cá, điểm lên cá thực hiện hệ thống eCDT. Thực hiện xuất cảng cho 59.978 lượt tàu rời cảng và 49.113 lượt tàu cập cảng trên hệ thống eCDT; đã cấp 3.053 giấy biên nhận bốc dỡ sản phẩm qua cảng; cấp 318 giấy SC và 49 giấy CC trên hệ thống eCDT. Bên cạnh đó, Cục Thủy sản đã thực hiện cấp tài khoản cho 5 đối tượng tham gia trong hệ thống liên quan đến chuỗi khai thác – chế biến – xuất khẩu thủy sản. Cụ thể, tất cả tàu cá trên toàn quốc (80.646 tài khoản), 28 Chi cục Thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển với 147 tài khoản; 172 tài khoản đồn biên phòng dọc theo 28 tỉnh, thành phố ven biển và 117 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. |
Đường dẫn bài viết: https://giaothuong.congthuong.vn/truy-xuat-nguon-goc-thuy-san-dien-tu-buoc-tien-moi-trong-xuat-kha-u-359312.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Chuyên trang Cơ hội Giao thương - Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.