Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 14/11/2024 09:54
Tin nóng:
Hàng Việt Nam được đánh giá cao tại Hội chợ Thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano (Italy) Khuyến công quốc gia hỗ trợ quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ |
Việt Nam với nền văn hóa đa dạng và giàu truyền thống, đang khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thủ công mỹ nghệ thế giới. Với hàng nghìn làng nghề truyền thống, cùng sự sáng tạo không ngừng của người nghệ nhân, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn chinh phục thị trường quốc tế.
Tiềm năng to lớn và thành tựu nổi bật
Việt Nam sở hữu một hệ thống làng nghề truyền thống dày đặc, với hơn 5.400 làng nghề đang hoạt động. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan, gốm sứ, sơn mài, đến các sản phẩm chạm khắc gỗ, bạc... đã tạo nên một bức tranh đa dạng và phong phú về văn hóa Việt Nam.
Tổng doanh thu của các làng nghề này hiện đạt khoảng 75 nghìn tỷ đồng, cho thấy tiềm năng kinh tế to lớn của ngành. Không chỉ vậy, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam còn mang đậm dấu ấn văn hóa, thể hiện sự khéo léo và tinh tế của người Việt, rất được người tiêu dùng quốc tế ưa chuộng.
Thủ công mỹ nghệ Việt đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Ảnh: Người Lao động |
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cũng tăng trưởng ổn định qua các năm. Từ 1,62 tỷ USD năm 2015, con số này đã tăng lên 2,23 tỷ USD vào năm 2019.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Với những kết quả khả quan này, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD vào năm 2025.
“Ngành thủ công mỹ nghệ trong nước đang có nhiều cơ hội và tiềm năng khá lớn khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang phát triển nhanh chóng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt giao thương với hình thức B2C với người tiêu dùng cuối trên toàn cầu” ông Lai Trí Mộc, Tổng Giám đốc Công ty Vietnam Housewares cho biết.
Bên cạnh đó, thị trường nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực khi ngày càng được người tiêu dùng quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ, ưa chuộng. Nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường này, sàn thương mại điện tử Amazon đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ.
Bà Nguyễn Thanh Yến My, đại diện Sàn thương mại điện tử Amazon, cho biết: "Theo các báo cáo thị trường uy tín, tỷ lệ nhập khẩu các sản phẩm nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, đặc biệt tại thị trường Mỹ. Nhận thấy cơ hội này, Amazon đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường này một cách hiệu quả hơn".
Cụ thể, Amazon đã cung cấp nhiều công cụ hữu ích để giúp doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu thị trường, hiểu rõ hơn về hành vi của người tiêu dùng Mỹ và những nhu cầu của họ. Bên cạnh đó, Amazon cũng thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ, hội thảo để doanh nghiệp Việt Nam cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường, xu hướng tiêu dùng và các chính sách hỗ trợ của nền tảng.
"Chúng tôi tin rằng, với sự hỗ trợ của Amazon, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để giới thiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dùng Mỹ, góp phần nâng cao vị thế của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế", bà My chia sẻ thêm.
Phải có chiến lược dài hạn, đa dạng hóa nguồn cung
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: cạnh tranh gay gắt từ các nước khác, hàng giả, hàng nhái, và khó khăn trong việc tiếp cận thị trường và đặc biệt là giá thành sản phẩm.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến giá thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam cao hơn so với Trung Quốc là do doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu. Việc phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài khiến cho doanh nghiệp khó kiểm soát được chi phí, dẫn đến giá thành sản phẩm cuối cùng bị đẩy lên cao.
Đặc biệt, các vùng nguyên liệu trong nước thường chỉ phát triển theo mùa. Khi vào mùa thu hoạch, cả doanh nghiệp Việt và Trung Quốc đều đổ xô đi thu mua, gây ra tình trạng cạnh tranh gay gắt và đẩy giá nguyên liệu lên cao.
Do đó theo ông Mộc, giải pháp cho doanh nghiệp Việt hiện nay là tìm thêm nhiều nguồn cung khác nhau, ổn định vùng trồng và tăng khả năng xử lý sau thu hoạch…
“Nguyên liệu cói có trữ lượng ổn định nhưng khó cạnh tranh về giá; cây chuối dù tiềm năng lớn nhưng chưa đủ khả năng đứng trong ngành thủ công mỹ nghệ hiện nay; với nguyên liệu mây, hiện trữ lượng giảm gần hết và các dự án trồng mây tự nhiên với quy mô lớn gần như chưa có. Do đó, chúng tôi nghiên cứu và tìm ra cây năn tượng, một loại nguyên liệu mới được chúng tôi định hướng sẽ thay thế lục bình trong tương lai nhờ giá rẻ phân nửa”, ông Mộc chia sẻ.
Việc đa dạng hóa nguồn cung giúp giảm thiểu rủi ro do biến động của thị trường hoặc các yếu tố bất ngờ khác, doanh nghiệp sẽ không bị phụ thuộc vào một nguồn nguyên liệu duy nhất, giúp ổn định giá thành sản phẩm. Ngoài ra, sử dụng nhiều loại nguyên liệu khác nhau sẽ giúp doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
Để cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ quốc tế, doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cần có những chiến lược dài hạn và bền vững. Việc đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, ổn định vùng trồng và nâng cao khả năng xử lý sau thu hoạch là những giải pháp cần thiết để giảm giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh.