Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 21:38
Tin nóng:
Hàng Việt Nam được đánh giá cao tại Hội chợ Thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano (Italy) Nhiều cơ hội cho sản phẩm đặc trưng Quảng Bình vươn xa |
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo thông tin từ Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương, Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng và đồ gia dụng Hồng Kông (Mega Show Hong Kong 2024) diễn ra từ ngày 20-23/10 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hồng Kông (Trung Quốc). Để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục đã sớm xây dựng kế hoạch và tổ chức đoàn gồm 30 cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia. Các gian hàng của Việt Nam tập trung vào hàng gia dụng và trang trí-nội ngoại thất; mây tre thủ công mỹ nghệ, sơn mài, gốm sứ, thêu ren, dệt may nội thất, đồ sân vườn và ngoại thất…
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia Hội chợ, theo ông Đỗ Đình Lăng - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn LV& Hòn ngọc Viễn Đông, hầu hết các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đều tham gia hội chợ này. Doanh số xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hiện nay đa phần đều đến từ các doanh nghiệp tham gia triển lãm tại đây. Các doanh nghiệp đều hy vọng, thông qua thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) để tiếp cận khách hàng, tiếp tục tìm kiếm các hợp đồng xuất khẩu đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
Khách nước ngoài tìm hiểu sản phẩm của Việt Nam tại Mega Show Hong Kong 2024. Ảnh: TTXVN |
Du khách tham quan hội chợ ấn tượng mạnh với sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam bởi tính độc đáo. Đặc biệt, theo ông Giorgos Anestis - Giám đốc thương mại của Estia Home Art (Hy Lạp), các sản phẩm của Việt Nam đều có chất lượng tốt, nhất là các sản phẩm thủ công có chất liệu từ mây, tre tự nhiên sẽ rất được chào đón tại thị trường châu Âu.
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, đến nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt khoảng 3,5 tỷ USD, ngành hàng này đang phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD vào năm 2025.
Tính chuyện đường dài cho sản phẩm
Dù có tiềm năng xuất khẩu, tuy nhiên, tại Hội thảo về làng nghề do Cục Công Thương địa phương hỗ trợ Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vẫn tồn tại những điểm yếu, trong đó, cập nhật xu hướng thị trường, bao gồm cả mẫu mã, chất liệu sản phẩm còn chậm. Cùng đó, việc ứng dụng công nghệ trong marketing sản phẩm chưa phổ biến đã hạn chế tính lan tỏa của sản phẩm.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, chuyên gia Vũ Hy Thiều - thành viên Ban Giám khảo Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, quốc gia - cho hay, trong những năm qua, mặc dù mẫu mã sản phẩm thủ công của làng nghề đã khá phong phú và có giá trị thẩm mỹ nhưng trước nhu cầu xuất khẩu ngày càng mở rộng, vẫn cần phát triển sản phẩm đa dạng hơn, chất lượng tốt hơn, giá trị thẩm mỹ cao hơn. “Sản phẩm của làng nghề nói chung, sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng, phải đáp ứng tốt hơn yêu cầu cụ thể của từng thị trường với mức sống khác nhau, lối sống và văn hóa khác nhau, quan niệm thẩm mỹ khác nhau” - ông Vũ Hy Thiều nhấn mạnh.
Để đạt được những vấn đề đó, trước tiên phải coi trọng hoạt động thiết kế sản phẩm, hiểu đúng chất lượng của mẫu mã sản phẩm, đó là thỏa mãn nhu cầu của khách hàng bằng những ý tưởng mới. Mẫu sản phẩm còn phải thích ứng với điều kiện thực tế của sản xuất và đem lại lợi nhuận cao cho cơ sở sản xuất.
Cần nghiên cứu thị trường để hiểu rõ khách hàng hơn và tìm cách đáp ứng tốt nhất những yêu cầu, mong đợi của khách hàng đối với sản phẩm. Trong mỗi cơ sở sản xuất phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề cải tiến công nghệ, áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các cơ sở cũng phải quan tâm đến bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ thiết kế sản phẩm và những lao động có tay nghề cao để luôn đổi mới mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng cần tranh thủ tham gia hoạt động hỗ trợ của các tổ chức, cơ quan về phát triển sản phẩm, như tham dự các cuộc tư vấn, tham gia các cuộc thi sản phẩm để học hỏi kinh nghiệm.
Nhấn mạnh tính kết nối trong phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, PGS. TS Đặng Mai Anh - Phụ trách Khoa Sau đại học (Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp) - cho rằng, cần chủ động tăng cường và phát huy hiệu quả của chuỗi các liên kết: Nhà nước - nhà sản xuất - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nghệ nhân - họa sỹ mỹ thuật.
“Mối liên kết này thể hiện mối quan hệ không thể tách rời giữa các lĩnh vực nghệ thuật - sản xuất - tiêu thụ, quan hệ giữa nghệ nhân - người lao động, nhà kinh doanh và môi trường pháp lý. Cụ thể là, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tích cực, chủ động tiếp cận thông tin để điều chỉnh kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, đào tạo tay nghề cho người lao động và lựa chọn mặt hàng kinh doanh, sản phẩm thủ công mỹ nghệ có mẫu phù hợp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và xuất khẩu”, PGS. TS Đặng Mai Anh nhận định.
Đổi mới, sáng tạo trong thiết kế mẫu mã sản phẩm đáp ứng thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước, là khâu quan trọng để có thể tìm kiếm các đối tác kinh doanh. Việc tạo nên chất lượng thẩm mỹ cần có liên kết giữa đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, với các doanh nghiệp nhằm thực sự tạo nên một thể hoàn chỉnh tạo nên những mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có chất lượng hàng hóa thực sự đủ yếu tố thẩm mỹ, sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Cùng đó, cần tạo sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng và môi trường, đảm bảo quy chuẩn thị trường xuất khẩu yêu cầu, thường xuyên cập nhật xu thế mẫu mới…