Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 28/11/2024 18:46
Tin nóng:
Chính sách xanh đang tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư Hàng hoá Việt gặp 'rào cản' từ chính sách xanh khi tiếp cận thị trường EU |
Tác động của CEAP đến xuất khẩu hàng hóa
EU hiện đang là một trong các thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng ngày càng lớn dưới tác động tích cực, lan tỏa của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Trước khi ký Hiệp định EVFTA, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt khoảng gần 49 tỷ USD thì sau 4 năm Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa hai bên đã lên gần 64 tỷ USD, một sự tăng trưởng rất lớn.
Về các mặt hàng xuất khẩu, nhờ các lợi thế về thuế quan của EVFTA, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều có sự tăng trưởng tốt, bao gồm các mặt hàng chủ lực như: Công nghiệp, máy móc thiết bị, các phương tiện vận tải, các nhóm hàng về hóa chất và đặc biệt những nhóm hàng về nông sản, thủy sản...
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt với thách thức từ chính sách xanh của EU như CEAP. Ảnh minh họa |
Ở chiều ngược lại, thông qua EVFTA, Việt Nam đã đẩy mạnh nhập khẩu chủ yếu những nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước, ví dụ như hóa chất, thức ăn chăn nuôi, phụ liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất trong lĩnh vực dệt may hoặc da giày…
Mặc dù có những lợi thế lớn nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đang đứng trước những thách thức mới đến từ các chính sách xanh của EU đưa ra những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu và tiêu dùng theo hướng phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, dự báo xu hướng này của EU cũng sẽ được các nước phát triển, các thị trường lớn của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu chú trọng, tăng cường siết chặt, tiến tới thiết lập các tiêu chuẩn xanh mới đối với hàng hóa trong thương mại quốc tế. Một trong số những chính sách đó là Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP).
Kế hoạch này dự báo sẽ tác động mạnh tới thương mại toàn cầu, nhất là giao thương từ các nước đối với EU, đồng thời đặt ra những yêu cầu mới cho các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa vào EU và các chuỗi cung ứng.
Kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn (CEAP) là một phần của Thỏa thuận Xanh châu Âu, đây là một chiến lược của EU để giúp khối này giảm phát thải ròng bằng 0 sớm nhất có thể vào năm 2050 và để thực hiện được chiến lược và mục tiêu này thì EU sẽ đưa ra hàng loạt các quy định, trong đó có CEAP với những quy định chi tiết cụ thể đối với 7 lĩnh vực, nhóm ngành nghề gồm: Nhựa, chế biến thực phẩm, dệt may, nông nghiệp, pin, các thiết bị giao thông, công nghiệp điện tử… Đây là những lĩnh vực Việt Nam có rất nhiều những thành quả khi gia nhập được các thị trường quốc tế, trong đó có thị trường EU. Để trụ vững và thâm nhập thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam cần có những giải pháp đáp ứng CEAP mà vẫn tận dụng được những lợi thế từ Hiệp định EVFTA.
Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
Đối với 7 nhóm lĩnh vực trên, nếu sản phẩm không đáp ứng được những tiêu chuẩn của EU như liên quan đến hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số, có khả năng không thể thâm nhập được vào thị trường lớn và tiềm năng này. Để đáp ứng các yêu cầu mới, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư nâng cấp công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất, dẫn đến tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Điều này có thể làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp trong nước cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ đến ở các quốc gia đã và đang tích cực chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu của CEAP.
Có thể thấy, việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường. Khi đáp ứng được các yêu cầu của CEAP, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường EU, một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, CEAP khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Việc sớm triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ và việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm thích ứng với Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn của EU không chỉ giúp doanh nghiệp giữ vững thị phần mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường EU, sau đó mở rộng sang các thị trường lớn, trọng điểm khác.
Mặc dù CEAP đặt ra nhiều khó khăn, song các chuyên gia cũng nhìn nhận, đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi và nâng cao năng lực cạnh tranh. Những yêu cầu về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế không thể đảo ngược, buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ để tham gia chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh tại các thị trường khó tính.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần phải chủ động thay đổi tư duy, chủ động chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn, bền vững. Thích ứng tốt với Chiến lược Thỏa thuận Xanh châu Âu nói chung và Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP) giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa những lợi ích mà EVFTA mang lại.