Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 09:30
Tin nóng:
Nguồn cung tại Việt Nam khan hiếm, giá cà phê xuất khẩu vượt đỉnh Tháng 9, xuất khẩu cà phê giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm tới nay |
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá cà phê xuất khẩu liên tục tăng. Tháng 9, giá bình quân đạt 5.469 USD một tấn, mức cao nhất từ trước đến nay.
Tính chung 9 tháng, mỗi tấn cà phê xuất khẩu bình quân đạt 3.897 USD một tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Cà phê trở thành sản phẩm nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Nhờ đó, Việt Nam thu về gần 4,4 tỷ USD từ loại nông sản này trong 9 tháng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Mức này vượt kim ngạch cả năm ngoái.
Việt Nam thu về gần 4,4 tỷ USD từ xuất khẩu cà phê. Ảnh: TL |
Còn theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/9, Việt Nam xuất khẩu được 1,07 triệu tấn cà phê với giá trị 4,13 tỷ USD. Mặc dù giảm 12% về lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam lại tăng tới 35,8% so với cùng kỳ.
Tác động đến sự chênh lệch trên là do giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam từ đầu năm 2024 đến ngày 15/9 đã tăng thêm 54,7% so với cùng kỳ, từ 2.476 USD/tấn tại kỳ trước lên 3.833 USD/tấn tại kỳ này.
Tại thị trường nội địa giá cà phê hôm nay, tại Tây Nguyên giảm mạnh 4.500 đồng/kg, ở Đắk Nông đạt 116.300 đồng/kg, Đắk Lắk 117.200 đồng/kg, Gia Lai 116.200 đồng/kg, Lâm Đồng 116.300 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta trên sàn London tiếp tục giảm mạnh, kỳ hạn tháng 11 mất thêm 190 USD xuống còn 4.921 USD/tấn, kỳ hạn tháng 1/2025 giảm 142 USD xuống 4.720 USD/tấn và kỳ hạn tháng 3/2025 giảm 103 USD còn 4.548 USD/tấn.
Mặc dù thời tiết thuận lợi cho cây trồng, nhưng thị trường cà phê vẫn không sôi động. Các thương nhân ở Tây Nguyên bắt đầu tìm kiếm cà phê một cách thận trọng do vấn đề tài chính từ cuối năm ngoái và sự không chắc chắn về thời tiết sắp tới.
Một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, thị trường chứng kiến giá cà phê tăng "phi mã", mỗi kg từ mức 40.000 đồng vào đầu năm 2023 lên 129.000 đồng hồi tháng 4. Tuy nhiên, đầu tháng 10, giá nông sản này giảm 4.500 đồng một kg, xuống 117.300 đồng.
Dù vậy, ông nhận định đây là sự điều chỉnh tạm thời vì nguồn cung nội địa đang khan hiếm. Nhiều nông dân đã chuyển đổi diện tích cà phê sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn như sầu riêng, bơ và chanh dây. Điều này dẫn đến sản lượng cà phê giảm mạnh.
Cùng quan điểm, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh, chia sẻ, năng suất vụ mùa năm nay có thể tăng, nhưng tồn kho tại các doanh nghiệp đang rất thấp. 4 tháng qua các doanh nghiệp, gồm Phúc Sinh, không có hàng để thu mua. Điều này khiến tình hình kinh doanh trở nên khó đoán, nhất là khi các yếu tố địa chính trị có thể tác động mạnh đến giá cà phê thời gian tới.
Chia sẻ về lý do khiến cơn sốt giá cà phê hạ nhiệt, theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) bắt nguồn từ việc ngày 2/10, Ủy ban châu Âu (EC) công bố quyết định gia hạn áp dụng quy định chống phá rừng thêm 12 tháng nhằm giảm bớt áp lực từ các đối tác toàn cầu và ngành công nghiệp, những người phàn nàn về việc thiếu sự chuẩn bị để tuân thủ luật kịp thời.
Quy định chống phá rừng được EU thông qua vào năm 2022, sẽ có hiệu lực từ 30/12/2024, yêu cầu các nhà cung cấp phải chứng nhận rằng hàng hóa của họ gồm: Đậu nành, thịt bò, cà phê, dầu cọ, cao su, ca cao, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, như da và đồ nội thất - không có nguồn gốc từ những khu vực vừa bị phá rừng để nhường chỗ cho các trang trại và đồn điền.
Brazil, Indonesia và các nước tây Phi được cho là một trong số những nước sản xuất các mặt hàng có liên quan phản ứng mạnh mẽ nhất với quy định này.
Theo Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam, dự báo cho niên vụ 2024-2025, Việt Nam đối mặt nhiều thách thức do điều kiện thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là hiện tượng El Nino gây khô hạn và tình trạng sâu bệnh. Sản lượng cà phê dự kiến giảm 5-15% so với niên vụ trước, khiến tổng sản lượng tiếp tục đi xuống.