Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ hai 25/11/2024 15:00
Tin nóng:
Cụ thể, mặt hàng cà phê robusta trên sàn London tăng 41 USD/tấn so với tuần trước đó và đứng ở mức 3.479 USD/tấn. Cà phê arabica trên sàn New York, tăng lên mốc 4.120 USD/tấn. Tình hình khan hàng tại Việt Nam tiếp tục là động lực thúc đẩy giá Robusta thế giới đi lên.
Đối với Robusta, ba tháng đầu năm 2024 được coi là thời kỳ “hoàng kim” đối với giá cà phê Robusta khi liên tục thiết lập các mức đỉnh chưa từng có trong lịch sử.
Nguồn cung ở mức thấp tại các nước xuất khẩu chính, kết hợp cùng nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường nhập khẩu hàng đầu tạo thành hỗ trợ kép cho đà tăng của giá cà phê những tháng đầu năm.
Giá cà phê được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tuần mới |
Tuy nhiên, sau nhiều tháng đối mặt với tình hình nguồn cung ở mức thấp, thị trường cà phê bắt đầu đón nhận tín hiệu mới từ hoạt động thu hoạch tại Brazil và Indonesia.
Thị trường thế giới tuần qua đã có những đợt tăng mạnh liên tiếp với tổng mức tăng 201 USD/tấn đẩy giá cà phê kỳ hạn tháng 5 lên tới mốc lịch sử 3.559 USD/tấn. Tuy nhiên, 2 ngày sau đó thị trường đã giảm tới 160 USD/tấn. Nếu nhìn vào khoảng chênh lệch khi chốt phiên so với giá đỉnh điểm, tuần này thị trường có thể tiếp tục xu hướng tăng.
Đối với cà phê Arabica, bên cạnh lực kéo từ giá Robusta, tồn kho cà phê ở mức thấp tại các thị trường tiêu thụ chính đã hỗ trợ giá tăng. Chốt ngày 28/3, tổng lượng cà phê Arabica đạt chuẩn trên sàn ICE Futures US đạt 595.209 bao (60 kg/bao), giảm 20,41% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù liên tục được củng cố trong suốt 2 tháng qua, nhưng xét về dài hạn, con số này vẫn chưa thể thoát khỏi vùng thấp nhất lịch sử tồn kho của cà phê Arabica.
Trong nước, giá cà phê nhân tại thị trường Tây nguyên sau khi vọt lên trên mốc lịch sử chạm ngưỡng 100.000 đồng/kg và hạ nhiệt vào những ngày cuối tuần, xuống còn 98.500 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp cho biết: So với giá trên sàn London, thị trường Việt Nam đã tăng giá thu mua thêm đến 600 USD/tấn nhưng vẫn rất khó mua được cà phê để trả đơn hàng cho đối tác.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê quý I/2024 dự kiến Việt Nam xuất khẩu khoảng gần 600.000 tấn cà phê với kim ngạch khoảng 1,9 tỷ USD tăng 3,1% về số lượng xuất khẩu nhưng tăng 54,7% về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân là chủ yếu, khoảng 91% về sản lượng, khoảng 85% về giá trị. Cà phê hòa tan và các sản phẩm chế biến sâu xuất khẩu tuy có tăng nhưng vẫn ở tỷ lệ thấp (kim ngạch chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước).
Thực trạng giá cà phê trong nước tăng đột biến được xác định là do công tác dự báo thị trường chậm và không chính xác, khiến cả người trồng lẫn doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đều gặp bất lợi.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài nắm được thông tin thị trường quốc tế, mạnh tay nhập khẩu cà phê của Việt Nam từ sớm. Hiện nay cà phê của người dân đã bán hết, nguồn cung cà phê trở nên khan hiếm và giá đang tăng thiếu kiểm soát.
Trong bối cảnh giá cà phê trong nước liên tục tăng cao, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê trong nước đang bị thua lỗ với những hợp đồng xuất khẩu đã ký từ trước. Đối với những đơn hàng xuất khẩu mới, doanh nghiệp lại càng gặp khó khăn khi đàm phán với khách hàng để tăng giá bán.
Theo đó các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu đang chuyển hướng sang mua từ Ấn Độ, Brazil vì hàng Việt sốt giá. Nhưng từ tháng 4, Brazil vào vụ, giá cà phê có thể quay đầu hạ.