Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 05/11/2024 20:59
Tin nóng:
Thay đổi cách tiếp cận để khai thác hiệu quả hơn thị trường Trung Quốc Thêm cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc |
Ngoài các mặt hàng thế mạnh như rau quả, thủy sản,... các doanh nghiệp trong nước đang tập trung tăng thị phần các mặt hàng còn nhiều tiềm năng như: Sầu riêng, cà phê, cao su, hạt tiêu, sắn...
Gần đây tại các cửa khẩu, nhiều xe container chở sầu riêng từ các vùng trồng của nước ta nối đuôi nhau lên đường sang Trung Quốc. Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của trái sầu riêng, giúp hàng chục nghìn nông dân ở nước ta thu tiền tỷ chỉ sau một vụ thu hoạch.
Xuất khẩu nông sản đón tin vui từ thị trường Trung Quốc |
Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai cho biết, hoạt động xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Lào Cai trong 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều khởi sắc. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là gỗ ván bóc các loại, than củi, nông sản (thanh long, sầu riêng, dưa hấu), trong đó mặt hàng quả sầu riêng đã xuất hơn 122 nghìn tấn, đạt kim ngạch hơn 516 triệu USD.
Hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản qua Cửa khẩu Lào Cai diễn ra khá sôi động, mặt hàng sầu riêng, quả vải tươi, dưa hấu xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu góp phần đáng kể trong việc tăng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu.
Tại các vườn sầu riêng của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ở Gia Lai, có rất nhiều các đoàn thương lái đến hỏi thăm và mua loại trái cây tỷ đô này. Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAGL - cho hay, công ty sẽ bán sầu riêng trực tiếp cho đối tác Trung Quốc, không thông qua các khâu trung gian. Tuy trái còn non nhưng từ tháng 5 đã được các doanh nghiệp Trung Quốc lùng mua và sẵn sàng đặt cọc giá cao. Công ty chưa vội bán vì chờ tới vụ thu hoạch để có giá tốt hơn. Năm nay, chỉ tính riêng hai vườn trồng ở Gia Lai, sản lượng sầu riêng của HAGL đã lên tới 800 tấn. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa chốt giá bán với đối tác mua hàng.
Sầu riêng cũng trở thành sản phẩm xuất khẩu số 1 của ngành hàng rau quả với tỷ trọng lên tới 41% trong tổng số 5,6 tỷ USD mà ngành này thu về. Xét về thị trường, Trung Quốc là nguồn tiêu thụ hàng đầu của sầu riêng Việt Nam, chiếm tỷ trọng hơn 90%.
Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 500 triệu USD, tiếp tục tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Vinafruit, xuất khẩu sầu riêng những tháng đầu năm nay vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt, trước hết là nhờ nhu cầu vẫn cao từ thị trường Trung Quốc. Đồng thời, sản lượng sầu riêng đầu năm nay tăng nhờ người trồng sầu riêng ở nhiều địa phương áp dụng thành công kỹ thuật cho sầu riêng ra hoa trái vụ.
Dự báo trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm của Việt Nam dự kiến sẽ thu về 3,5 tỷ USD. Sầu riêng Việt Nam đang bước vào chính vụ thu hoạch. Theo số liệu của Cục Trồng trọt, sản lượng sầu riêng năm nay ước đạt 1,5 triệu tấn, tăng mạnh so với năm ngoái.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho hay, tính đến hết tháng 5, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của nước ta sang thị trường Trung Quốc đạt 4,6 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tiếp tục bùng nổ, chiếm tỷ trọng lớn.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm nay, nước ta đã thu về 1,71 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của nước ta, chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Một mặt hàng mà Trung Quốc đang tiếp tục thu gom đó là sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam, chiếm 91,37% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này. Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang thị trường tỷ dân đạt 509 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Trung Quốc đạt 887,8 triệu USD, tăng 51,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong top 5 thị trường chính của ngành gỗ Việt, Trung Quốc là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Đây cũng là khách hàng lớn thứ hai của thủy sản và hạt điều Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tính đến hết tháng 5/2024 đạt 537,5 triệu USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023; hạt điều đạt 290 triệu USD, tăng mạnh 46,3%.
Ngoài ra, xuất khẩu cà phê sang thị trường tỷ dân này cũng tăng 25,5% về lượng và tăng 53% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Về mặt hàng hạt tiêu, Trung Quốc được dự báo sẽ đẩy mạnh gom mua vì lượng tồn kho ở mức thấp nên Việt Nam có cơ hội lớn đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu sang nước láng giềng. Trong tháng 5, xuất khẩu hạt tiêu của nước ta sang thị trường Trung Quốc đạt 3.137 tấn, tăng gấp 4,8 lần so với tháng trước và là mức cao nhất trong 11 tháng qua.
Trong 5 tháng đầu năm nay, chỉ có kim ngạch xuất khẩu cao su và gạo ghi nhận mức tăng trưởng âm.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay, có nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giúp giá trị xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng tốt.
Tại hội đàm giữa Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung với ông Triệu Tăng Liên - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc - lãnh đạo hai bên cùng thống nhất thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại nông sản và mở cửa thị trường trong thời gian tới.
Cụ thể, sẽ sớm hoàn tất các thủ tục để ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đối với mặt hàng chanh leo và ớt đã được hai bên thực hiện xuất khẩu thí điểm, thúc đẩy hoàn tất các thủ tục để sớm có thể ký 2 văn kiện này. Ngoài ra, phối hợp để hoàn thiện Nghị định thư về xuất khẩu cá sấu, tổ yến thô, gia cầm và thủy sản khai thác của Việt Nam sang Trung Quốc.