Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 16:11
Tin nóng:
Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,2 tỷ USD Top 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam |
Trung Quốc luôn được xác định là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất
Theo số liệu mới công bố của Hải quan Trung Quốc, 7 tháng đầu năm 2024, ASEAN tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với trị giá 546 tỷ USD. Trong các nước ASEAN, thương mại Việt Nam - Trung Quốc 7 tháng tăng mạnh nhất (24,1%). Các sản phẩm doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm và gia tăng nhập khẩu trong thời gian qua là nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, nông - thủy sản.
Đã có rất nhiều mặt hàng nông, lâm ,thủy sản của Việt Nam đang chiếm thị phần rất lớn tại thị trường Trung Quốc như cao su, sắn và các sản phẩm từ sắn, trái cây, cá tra,...
Đơn cử với mặt hàng cao su, trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 489.370 tấn cao su. Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm 67,35% về lượng và chiếm 64,8% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2024.
Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa |
Đối với mặt hàng rau quả, theo Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 3,33 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 64% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ, chiếm 92,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Sắn và các sản phẩm từ sắn cũng là một mặt hàng xuất khẩu tỷ đô sang Trung Quốc. Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,38 triệu tấn, trị giá 630,29 triệu USD, giảm 7,7% về lượng, nhưng tăng 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, do giá xuất khẩu tăng. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 87,88% về lượng và chiếm 88,52% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản từ sắn của cả nước
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,26 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 569,05 triệu USD, giảm 6,1% về lượng, nhưng tăng 8,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát và tinh bột sắn lớn thứ hai cho Trung Quốc, sau Thái Lan.
Trong khi đó, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt gần 690 triệu USD, tăng 8,4%. Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam, đóng góp 28% trong tổng giá trị Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường. Tháng 6/2024 là tháng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đạt cao nhất kể từ đầu năm nay, với gần 56 triệu USD, tăng 16% so với tháng 6/2023. Lũy kế, 6 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 35% với hơn 243 triệu USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, người tiêu dùng ở thị trường này thường ưa thích các sản phẩm phile cá tra đông lạnh từ Việt Nam hơn. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu phile cá tra đông lạnh sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đạt hơn 158 triệu USD, chiếm 61% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu cá tra sang thị trường này.
Mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn thứ 2 sang thị trường Trung Quốc trong nửa đầu năm nay là tôm hùm với gần 122 triệu USD, tăng 174% và chiếm gần 18% giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này
Đối với mặt hàng cà phê, hồ tiêu, tuy Trung Quốc chưa phải là thị trường xuất khẩu top đầu của Việt Nam nhưng xu hướng người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng cà phê, hồ tiêu của Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu cà phê từ Việt Nam của Trung Quốc đạt 41,28 triệu USD, tăng 107,1%. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 6,65% trong 6 tháng đầu năm 2023 lên 7,46% trong 6 tháng đầu năm 2024.
Còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện có nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó đã có 12 mặt hàng rau quả (dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít); tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; mặt hàng sữa và thủy sản các loại.
Việc ký kết các Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về cho phép xuất khẩu chính ngạch nông sản đã tạo sức bật cho nhiều loại nông sản của Việt Nam tại thị trường này. Sau khi có Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường này trong 2 năm trở lại đây đã lớn hơn rất nhiều so với các năm trước cộng lại.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khi Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi được ký, nếu chuẩn bị tốt, ngành dừa có thể thu thêm khoảng 300 - 400 triệu USD/năm từ thị trường này. Ảnh minh họa |
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất rau quả từ nước ta, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD trong nửa đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ. Sầu riêng vẫn là loại quả được thị trường yêu thích nhất.
Đối với mặt hàng dừa tươi, Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của thị trường Trung Quốc là rất lớn và có xu hướng tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, sản lượng dừa của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ nội địa, phần còn lại là nhập khẩu. Do đó, nếu xuất khẩu chính ngạch được mặt hàng này vào thị trường Trung Quốc sẽ giúp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan. Theo tính toán của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khi Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi được ký, nếu chuẩn bị tốt, ngành dừa có thể thu thêm khoảng 300 - 400 triệu USD/năm từ thị trường này.