Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 16/04/2025 12:18
Tin nóng:
Thụy Điển: Thị trường tiềm năng cho xuất khẩu rau quả tươi Việt Nam Cơ hội xuất khẩu rau quả tươi Việt Nam sang Thụy Điển Thụy Điển thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thời trang |
Chính sách khí hậu hiện tại bị đánh giá là thiếu hiệu quả
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, trong báo cáo khí hậu thường niên gửi tới chính phủ, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thuỵ Điển (Naturvårdsverket) đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng: Nếu không có những thay đổi căn bản trong chính sách, Thuỵ Điển sẽ không thể đạt được bất kỳ mục tiêu khí hậu nào cho các mốc thời gian quan trọng là 2030, 2040 và 2045. Không chỉ vậy, các mục tiêu ràng buộc do Liên minh châu Âu (EU) đặt ra cho năm 2030 cũng gần như không thể hoàn thành nếu quốc gia này tiếp tục duy trì chính sách như hiện nay.
Dù chính phủ đã công bố một số biện pháp mới, chẳng hạn như nghĩa vụ cắt giảm khí thải nghiêm ngặt hơn có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, thì các chính sách khác như kế hoạch giảm thuế xăng và dầu diesel lại đi ngược với nỗ lực giảm phát thải. Tác động ròng của các biện pháp này được ước tính chỉ giúp cắt giảm khoảng 2,7 triệu tấn CO2 tương đương trong lĩnh vực giao thông tính đến năm 2030, con số quá nhỏ so với mục tiêu đề ra.
![]() |
Thuỵ Điển có nguy cơ không đạt được bất kỳ mục tiêu khí hậu quốc gia nào. Ảnh minh họa |
Theo báo cáo, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2045, Thuỵ Điển vẫn còn thiếu hụt tới 19 triệu tấn CO2 tương đương. Bên cạnh đó, các mục tiêu trung gian vào năm 2030 và 2040 theo Quy định Chia sẻ Trách nhiệm (ESR) của EU cũng đối mặt nguy cơ không đạt được, với mức thiếu hụt lên đến vài triệu tấn CO2 tương đương.
Ngành giao thông và đất đai: Những “nút thắt” lớn nhất
Trong số các lĩnh vực được phân tích, ngành giao thông được xác định là điểm yếu nổi bật nhất. Mục tiêu giảm 70% lượng khí thải từ giao thông nội địa vào năm 2030 — một cột mốc then chốt trong chiến lược khí hậu của Thuỵ Điển — hiện đang bị bỏ xa, với khoảng cách dự báo lên tới 6 triệu tấn CO2 tương đương.
Không chỉ giao thông, lĩnh vực đất đai và sử dụng đất (LULUCF) cũng gây lo ngại lớn. Trong những năm gần đây, khả năng hấp thụ carbon tự nhiên của đất và rừng Thuỵ Điển đã sụt giảm mạnh do sự suy giảm tăng trưởng rừng, mức độ khai thác gỗ cao và mất mát môi trường tự nhiên. Trong giai đoạn 2021–2025, mức thâm hụt carbon trong lĩnh vực này được ước tính từ 52 đến 59 triệu tấn CO2 tương đương — cao hơn cả tổng lượng phát thải hàng năm của quốc gia (khoảng 44 triệu tấn CO2).
Theo các quy định của EU, nếu không bù đắp được thâm hụt từ lĩnh vực LULUCF, phần thiếu hụt này sẽ được chuyển sang lĩnh vực ESR, khiến cho việc đạt được các mục tiêu khí hậu bắt buộc của EU càng thêm khó khăn, thậm chí bất khả thi.
Trước những cảnh báo trên, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Romina Pourmokhtari cho rằng việc phát thải tăng trong năm 2024 chỉ là hiện tượng nhất thời và khẳng định rằng phát thải sẽ giảm từ năm 2025. Bà cũng nhấn mạnh rằng chính phủ đang nỗ lực để cải thiện khả năng đáp ứng các mục tiêu khí hậu do EU đề ra.
Tuy nhiên, Cơ quan Bảo vệ Môi trường tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng. Ngay cả khi tính đến các yếu tố hỗ trợ như lượng phát thải ETS đã tiết kiệm hoặc mua bán quyền phát thải, Thuỵ Điển vẫn được dự báo sẽ thiếu khoảng 0,4 triệu tấn CO2 so với mức trần của EU vào năm 2030 theo ESR.
Giới chuyên gia và các tổ chức môi trường đã không che giấu sự lo ngại của mình. Bà Beatrice Rindevall, Chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thuỵ Điển, tuyên bố: “Giờ đây, chúng ta đã thấy rõ ràng bằng văn bản rằng chính sách hiện tại sẽ khiến Thuỵ Điển không đạt được bất kỳ mục tiêu khí hậu nào, điều này là cực kỳ rủi ro”.
Phe đối lập cũng phản ứng gay gắt. Ông Rickard Nordin, phát ngôn viên chính sách khí hậu và năng lượng của Đảng Trung tâm, nhận định: "Chính sách khí hậu của chính phủ đang gây tổn hại nghiêm trọng cho Thuỵ Điển. Việc tăng thuế điện và thay thế chính sách thưởng xe xanh bằng trợ cấp tháo dỡ xe lỗi thời là sai lầm nghiêm trọng. Điều này sẽ khiến chúng ta mất việc làm, thiệt hại cho doanh nghiệp và phải trả tiền phạt cho EU".
Báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thuỵ Điển là một lời cảnh tỉnh rõ ràng rằng, nếu không có những điều chỉnh mạnh mẽ và kịp thời, quốc gia từng được xem là hình mẫu về chính sách xanh có thể sẽ trở thành ví dụ cho sự tụt hậu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Khi thời gian không còn nhiều và khoảng cách đến các mục tiêu ngày càng xa, điều cần thiết lúc này không chỉ là cam kết chính trị, mà còn là hành động cụ thể, nhất quán và mang tính hệ thống. |