Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 13/12/2024 00:41
Tin nóng:
Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải nộp thuế Thận trọng trước loạt sản phẩm hỗ trợ sức khỏe bán trái phép trên thương mại điện tử |
Nhiều rào cản với doanh nghiệp nhỏ
Thực tế tại Công ty TNHH Luxess – Công ty chuyên phân phối các mặt hàng nông sản như bánh tráng Tây Ninh, xoài sấy dẻo, cà phê, yến sào... mỗi năm doanh nghiệp này xuất khẩu được khoảng 3 - 4 tấn hàng cho khách là Việt kiều. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp mới chỉ xuất khẩu qua thương mại điện tử trong nước, chưa tiếp cận được với hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cũng như Công ty TNHH Luxess, chia sẻ bên lề Diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024, diễn ra mới đây, đại diện nhiều công ty cho hay: Dù biết thương mại điện tử xuyên biên giới nhiều tiềm năng nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chỉ bán hàng qua sàn thương mại điện tử trong nước nên kim ngạch xuất khẩu chưa cao. Doanh nghiệp mong muốn Nhà nước, chính quyền địa phương hỗ trợ để sớm tham gia hình thức xuất khẩu qua thương mại điện tử, kết nối được với các khách hàng nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp còn khó tiếp cận thương mại điện tử xuyên biên giới. Ảnh: Hồng Hạnh |
Thương mại điện tử xuyên biên giới là mô hình kinh doanh trong đó người bán và người mua ở các quốc gia khác nhau, mua và bán hàng hóa thông qua các chợ online trên môi trường thương mại điện tử. Thời gian qua, thương mại điện tử xuyên biên giới đã giúp nhiều doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng nhanh doanh số.
Số liệu từ báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam cho thấy, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số lượng đối tác bán hàng. Tổng quan, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 26% so với năm trước.
“Những con số này là minh chứng rõ nét cho tiềm năng to lớn và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế”, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nền tảng này còn giúp doanh nghiệp nắm bắt và phản hồi nhanh đối với nhu cầu thị trường; thoát khỏi giới hạn của thị trường về quy mô, mùa vụ; cũng như xây dựng, nâng cao nhận diện thương hiệu ở thị trường nước ngoài, tạo lợi thế cạnh tranh đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khác.
Hiện nay, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam được bày bán ở nước ngoài, nhưng thực chất là doanh nghiệp Việt đang bán thông qua một thương hiệu nước ngoài. Nếu ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ khắc phục được tình trạng này.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam cho biết, đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong tiếp cận, triển khai ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, như kiến thức và kỹ năng số; năng lực cạnh tranh chưa cao; thiếu thông tin thị trường; các rào cản pháp lý, thuế quan, logistics, thanh toán…
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty Bưu điện Việt Nam - cho hay, một nền tảng thương mại điện tử hoạt động cần rất nhiều sàn. Để lên sàn kinh doanh được có nhiều vấn đề, như: Tiếp thị, quản lý giao hàng đảm bảo vượt trội… Với thương mại điện tử xuyên biên giới còn liên quan đến việc thích nghi văn hóa, pháp luật nước sở tại… cùng nhiều yêu cầu mà doanh nghiệp phải cố gắng mới có thể đáp ứng được.
Cần có hành lang pháp lý đủ mạnh
Năm 2023, tổng doanh thu từ giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử đã đăng ký tại Việt Nam đạt khoảng 498,9 nghìn tỷ đồng; trong đó, tổng doanh thu của 5 nền tảng thương mại điện tử lớn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok shop lên đến 233,2 nghìn tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022 (theo Metric).
Theo Amazone công bố, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam tăng trưởng trên 20% mỗi năm và dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 2026.
Mặc dù vậy, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức đối với kinh tế - xã hội, trong đó bao gồm cả việc quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, yêu cầu đặt ra hiện nay là làm sao Việt Nam có một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ thông suốt để vừa đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng cũng như nhà cung cấp, các bên tham gia, vừa phải đảm bảo quản lý nhà nước, an ninh, quốc phòng, phù hợp với các hiệp định, hiệp ước mà Việt Nam đã ký kết song phương, đa phương.
Đáng chú ý, cần có biện pháp quản lý hiệu quả nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu và trốn thuế trong hoạt động mua bán trực tuyến; bảo đảm tuân thủ các quy định trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã giao Trung tâm Phát triển thương mại điện tử nghiên cứu, phát triển Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến (Ecomex) với các giải pháp cụ thể, nhằm hiện thực hóa định hướng của Chính phủ, chung tay hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đưa những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế qua thương mại điện tử.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tổ chức các chương trình đạo tạo thương mại điện tử xuyên biên giới, qua đó nâng cao năng lực, phổ biến các quy định, thủ tục và kiến thực mới cho doanh nghiệp.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh cho biết thêm: Thời gian tới cần phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bởi thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị rất nhiều về việc xây dựng một luật chuyên ngành về thương mại điện tử hoặc những quy định về quản lý xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử bền vững, tăng cường quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại điện tử qua chuyển phát nhanh. Kết nối khai báo thuế cho thương mại điện tử xuyên biên giới; ban hành, thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 tập trung phát triển, tối ưu hóa hệ thống logistics, thanh toán phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới…
Ưu thế của thương mại điện tử là lợi thế cạnh tranh với doanh nghiệp xuất khẩu khác. Trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới đang phát triển nhanh, nếu doanh nghiệp không khai thác thì các đối thủ cạnh tranh sẽ nắm lấy cơ hội này. |